- "Khi thảm họa sóng thần xảy ra ở Nhật Bản, tiền vung vãi ra nhưng người Nhật họ không nhặt. Đến bao giờ ở nước ta mới có điều này?" - ĐD Trần Văn Thủy

TIN BÀI KHÁC


Trần Văn Thủy vừa trở về Hà Nội sau chuyến giao lưu xuyên Việt để gặp gỡ độc giả của cuốn sách "Chuyện nghề của Thủy" (5/2013). Trả lời phỏng vấn trong dáng vẻ mệt mỏi nhưng tinh thần hào hứng, ông không quên nói báo chí nên nhắc đến sự dấn thân công ty sách Phương Nam đã cố gắng mang cuốn sách của ông đến tay khán giả. Dù họ chỉ có thể in vỏn vẹn 1.000 bản và có "nguy cơ" lỗ.

VietNamNet có cuộc phỏng vấn với đạo diễn gạo cội này, xung quanh những vấn đề về Con người và Sự thật, theo trải nghiệm từ cá nhân ông.

{keywords}
Đạo diễn/tác giả sách Trần Văn Thủy

Làm một bộ phim hay viết một bài báo có ích thường đụng chạm

Tôi được biết, để điều chỉnh hành vi con người thì thông tin là sự điều chỉnh khách quan nhất, vì nó không phụ thuộc vào sự áp đặt của ý chí cá nhân. Khi xem những phim tài liệu của ông làm ("Chuyện tử tế", "Hà Nội trong mắt ai", "Vọng khúc ngàn năm"...), tôi nhận thấy ông không điểm mặt chỉ tên cụ thể một người nào xấu. Ông cũng nói trong "Chuyện nghề của Thủy" rằng: "không biết đó là lỗi của ai". Đó có phải là phương pháp của ông khi đề cập đến những nhức nhối trong xã hội?

- Trong khoa học xã hội, viết báo, viết kịch, làm văn, làm phim tài liệu, ngoài vấn đề tri thức, thì vấn đề nhân cách và bản lĩnh phải đặt lên hàng đầu. Chúng thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội. Nếu chỉ là một người sáng cắp ô đi tối cắp ô về, mà không có chính kiến, không chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình thì rất khó có thể đóng góp tích cực cho sự hoàn thiện và phát triển.

Thế nhưng khi làm một bộ phim hay viết một bài báo có ích thì thường đụng chạm. Cho nên cách nói của mình rất quan trọng. Nếu cứ cậy vào bản lĩnh và trách nhiệm mà không tìm ra một cách nói để người nghe có thể nghe được - dù họ có quan điểm khác mình - thì là vô ích. Ai đó có thể áp đặt Nói thật vào vấn đề dân chủ, tự do ngôn luận. Điều này cũng đúng thôi, nhưng có thể dẫn tới sự đối kháng với một lớp người nào đó.

Trong trang cuối của cuốn sách này, anh Lê Thanh Dũng (đồng tác giả) có nói đây là một cuốn sách làm với thái độ thành thật, trung thực với ý thức xây dựng. Một đất nước mà ai cũng có thể nói thật điều mình nghĩ là một đất nước hạnh phúc.

Tôi đã từng nói điều này trong nhiều bài báo, một dân tộc mà nhiều người nói dối là một dân tộc chết rồi. Con người ta có cái miệng thì phải nói điều mình nghĩ, chứ nói những điều người khác nghĩ thì đó là tai vạ. Nếu tiếp cận theo hướng này, xét xem sự nói thật nó cần đến mức độ nào thì chắc là không ai bắt bẻ được.

Cho nên mình tâm huyết với sự thịnh suy của dân tộc, thì phải tìm ra cách nói để nó có sức thuyết phục, chứ không phải chỉ nói để hả lòng mình. Như thế không phải là sai, nhưng có lẽ không nên.

Martin Luther King từng nói đại ý rằng thế giới bị hủy hoại không phải chỉ vì hành động của người xấu, mà bởi sự im lặng của người tốt (*). Ông nghĩ sao về điều này?

- Nhiều khi người ta có câu "Im lặng là vàng", cho nên có những người không thích tham gia cuộc chơi, họ chấp nhận và muốn sự an toàn. Nhưng tôi cho rằng những người có vị trí cao phải có trách nhiệm nhiều hơn với đất nước. Nói một cách giản dị là như vậy.

Các cụ ngày xưa có câu "thượng bất chính thì hạ tắc loạn". Nếu bên trên không làm gương, thì bên dưới, xã hội không biết đi về đâu.


{keywords}
{keywords}
Sách "Chuyện nghề của Thủy" và tuyên ngôn làm nghề của tác giả

Đã làm hơn 20 bộ phim tài liệu và ra cuốn sách đầu tay ở Việt Nam, những tác phẩm của ông dường như đều đề cập thân phận con người trong xã hội?

- Cuốn sách đầu tay của tôi thực ra là cuốn "Nếu đi hết biển" - phát hành tại Mỹ. Nó cũng nổi tiếng, gây tiếng vang. Ở Việt Nam, tôi chỉ bị phê bình nhẹ nhẹ, nhưng phản ứng dữ dội nhất đến từ người Việt ở nước ngoài. Họ làm cho mình "lên bờ xuống ruộng".

Người Việt phải biết mặt yếu của mình. Người Trung Hoa họ cũng có chuyện nọ chuyện kia. Họ không đồng tình với dân trí của họ thì họ viết "Người Trung Quốc xấu xí" (tác giả Bá Dương). Còn người Việt Nam cứ nói đến mặt xấu, mặt hạn chế của mình thì bị quy cho những tội danh hết sức nguy hiểm.

Tôi cho rằng người Việt mình phải cố gắng noi gương các bậc hiền nhân quân tử đi trước, đã biết nhìn lại mình, sửa tật của mình. Như cụ Nguyễn Văn Vĩnh có mục "Xét tật mình" trên tờ báo của cụ, như cụ Phan Châu Trinh khởi xướng phong trào "Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh"...

Francis Ford Copola sinh ra ở Việt Nam chưa chắc đã dám làm phim như tôi

Nhưng cũng ông là một người Việt. Ông đã vươn đến tầm thế giới và được  người Mỹ so sánh với Francis Ford Copola. Tại sao vậy?

- Tôi không cho rằng mình sánh ngang với vị đạo diễn lừng danh ấy. Nhưng có một sự so sánh như vậy bởi vì đó là nền dân chủ và tự do của nước Mỹ. Anh muốn nói gì thì nói, chẳng có sự chỉ đạo nào cả. Ở nước mình muốn so sánh như thế có khi phải thông qua một hội đồng. Nhưng tôi cũng phải nói rằng nếu Francis Ford Copola sinh ra ở Việt Nam và làm việc ở Việt Nam thì chưa chắc đã dám làm phim như tôi.

Vậy điều gì có thể khiến người Việt, trong môi trường và hoàn cảnh xã hội Việt Nam có thể vươn lên như ông đã làm được?

- Tất cả mọi việc đều bắt đầu từ con người. Tiền bạc, phương tiện, hoàn cảnh... chỉ là phụ. Cứ nhìn vào Nhật Bản thì biết. Họ không có tài nguyên, bị thua cuộc trong chiến tranh, rất nhiều núi lửa, động đất, sóng thần thảm họa... Họ dạy trẻ em: "Sự tồn tại của đất nước này trông chờ vào nỗ lực vượt lên hoàn cảnh của các em".

Tôi cũng có mấy suy nghĩ khi đến các trường đại học Mỹ - nơi đào tạo ra những nhà lãnh đạo của thế giới. Tôi viết rằng "Ở Việt Nam, chúng ta đang nỗ lực để có những sáng kiến để cải tiến giáo dục. Điều đó rất đáng quý, nhưng khi tiếp cận giáo dục Mỹ, bạn sẽ thấy ngoài điều kiện phương tiện, sự độc lập của đại học Mỹ so với chính quyền, còn có tố chất của sinh viên Mỹ. Điều đó không phải một sớm một chiều ta có được. Tố chất của sinh viên Mỹ mạnh mẽ lắm. Thế nên họ có những người như Bill Gates, Mark Zuckerberg... những người có thể bỏ cả những trường đại học hàng đầu. Thế nên, yếu tố cốt lõi là tố chất con người."

{keywords}
Khán giả đông nghẹt trong các buổi giao lưu cùng Trần Văn Thủy trong chuyến đi xuyên Việt

Ông nói mọi thứ đều quy về con người. Vậy động lực phát triển là từ con người cá nhân hay con người xã hội?

- Là con người cá nhân. Nhiều con người cá nhân gộp lại thành con người xã hội. Xã hội tốt được cấu thành bởi những con người có nhân cách. Để mỗi ngày một thêm giàu có chưa chắc đã khó, nhưng để xây dựng một nền dân trí cao thì vô cùng khó. Khi thảm họa sóng thần xảy ra ở Nhật Bản, tiền vung vãi ra nhưng người Nhật họ không nhặt. Đến bao giờ ở nước ta mới có điều này hả bạn phóng viên?

Hồ Hương Giang (thực hiện)

(*) We will have to repent in this generation not merely for the hateful words and actions of the bad people but for the appalling silence of the good people (Martin Luther King)