- Thông tin về việc ngừng tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem và chưa có vắc xin thay thế đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Sáng 7/5, khu vực tiêm vắc xin dịch vụ của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) đông hơn hẳn ngày thường do nhiều người vì lo ngại nên đã bỏ tiền ra tiêm dịch vụ cho con.
Băn khoăn, lo lắng
Chị Duyên (quận Đống Đa) cho biết, khi đọc được thông tin về việc ngừng tiêm vắc xin Quinvaxem trên báo vào sáng 5/5, chị khá bất ngờ vì tháng trước khi đưa con đi tiêm, các bác sỹ vẫn cho biết vắc xin này “an toàn”.
“Con tôi đã tiêm được 2 mũi Quinvaxem. Còn một mũi nữa, tôi quyết định tiêm dịch vụ để quá trình tiêm chủng của con không bị gián đoạn”, chị Duyên nói.
Quyết định này được chị đưa ra sau khi chị đọc báo và biết các chuyên gia khuyến cáo có thể tiêm tiếp vắc xin dịch vụ (cũng là vắc xin 5 trong 1 nhưng có độ an toàn cao hơn) mà không ảnh hưởng đến việc đã tiêm 1-2 mũi Quinvaxem trước đó.
Người dân ngồi chờ ở bên ngoài phòng tiêm chủng dịch vụ tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội sáng 7/5 (Ảnh: C.Q) |
Đại đa số các ý kiến đều băn khoăn về việc liệu con họ có gặp vấn đề gì hay không, bởi trước đó các cháu đã được tiêm vắc xin Quinvaxem và nay vắc xin này bị tạm ngừng sử dụng.
“Tôi cũng hỏi bác sỹ về việc này thì được cho biết dù bị dừng để xem xét, kiểm định lại chất lượng nhưng với các cháu đã từng tiêm trước đây thì sức khỏe vẫn đảm bảo, trường hợp nào bị phản ứng thì đã phản ứng ngay sau tiêm rồi”, chị Duyên cho hay.
2 phương án tạm thời
Trong lúc chưa có vắc xin thay thế, Bộ Y tế đã đưa ra 2 phương án tạm thời để đảm bảo việc tiêm chủng không bị xáo trộn lớn.. Theo đó, người dân có thể đợi quyết định tiếp theo của Bộ Y tế, với trẻ đã tiêm 1-2 mũi có thể tạm gián đoạn để chờ đợi (hiện chưa có quy định về thời gian giãn cách tối đa giữa 2 lần tiêm). Ngoài ra, người dân có thể sử dụng vắc xin dịch vụ để tiếp tục tiêm chủng cho con mình. |
Ghi nhận tại phòng tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sáng 7/5 cho thấy số lượng cha mẹ đưa trẻ đi tiêm dịch vụ đông hơn hẳn ngày thường.
Có nhiều trẻ chưa từng tiêm mũi 5 trong 1 nào nay cũng được cha mẹ đưa thẳng đến Trung tâm để dùng vắc xin dịch vụ chứ không đưa ra trạm y tế phường.
Chị Loan (quận Ba Đình) có con gái được 2 tháng tuổi cho biết tháng trước chị đã đưa con đi tiêm mũi phòng lao ở trạm y tế phường và được dặn khi con đủ 60 ngày thì quay lại tiêm vắc xin 5 trong 1 (miễn phí).
Tuy nhiên, chiều 5/5, khi đọc báo và biết thông tin, chị đã dừng lại 1 ngày để chờ đợi, nghe ngóng khuyến cáo của những người có chuyên môn.
Đến sáng nay (7/5) chị đưa con đi tiêm dịch vụ dù điều kiện kinh tế của gia đình cũng không “rộng rãi” cho lắm.
“Tôi đọc báo thấy nói cần tiêm đủ 3 mũi trước khi trẻ đủ 1 tuổi là được, không nhất thiết phải tiêm các mũi cách nhau 1 tháng và mũi đầu phải tiêm khi đủ 60 ngày. Nhưng bé nhà tôi chưa được tiêm mũi nào, tôi không đợi được vì sợ cháu chưa có miễn dịch, dịch bệnh có thể tấn công”, chị Loan nói.
Việc đổ xô sang tiêm vắc xin dịch vụ cũng là điều đã được lường trước khi thông tin ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem được đưa ra.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết Hà Nội sẽ gấp rút triển khai phương án đáp ứng, tuy nhiên việc tăng nhu cầu đột ngột cũng sẽ gây ra khó khăn về nguồn cung do phải mất nhiều thời gian để đặt hàng đơn vị sản xuất, cung ứng.
Chưa có vắc xin thay thế
Chiều 6/5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông báo chính thức về việc tạm dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem trong Dự án Tiêm chủng mở rộng.
Trong thông báo này, Cục Y tế dự phòng cho biết báo cáo của Dự án tiêm chủng mở rộng từ đầu năm 2013 đến nay cho thấy tần suất phản ứng sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem cao hơn so với các năm trước đây.
“Tuy nhiên, cho tới nay kết quả điều tra đánh giá nguyên nhân của các Hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh, Bộ về các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng chưa xác định có sự liên quan giữa các trường hợp này với quy trình vận chuyển, bảo quản, dịch vụ, chưa có bằng chứng loại trừ nguyên nhân do chất lượng của vắc xin”, thông báo cho hay.
Trong khi chờ đợi các kết luận về nguyên nhân của các trường hợp này, Cục Y tế dự phòng cho biết Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin đáp ứng nhu cầu phòng bệnh và triển khai các hoạt động tăng cường an toàn tiêm chủng.
Ngoài ra, các vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn được triển khai tiêm phòng theo đúng lịch.
Theo dõi chặt phản ứng của trẻ sau tiêm Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đưa ra khuyến cáo: Việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết, người dân cần đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch để bảo vệ trẻ em, gia đình và cộng đồng, chủ động phòng bệnh. Các bà mẹ cần theo dõi chặt trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm và đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời. |
Cẩm Quyên
>> Ngừng vắc-xin '5 trong 1': Xáo trộn tiêm chủng?
>> Vì sao vắc-xin “5 trong 1” bị ngừng lưu hành?
>> Tạm ngừng sử dụng vắc-xin “5 trong 1”