- Hành vi khai thác, vận chuyển mang đi tiêu thụ viên đá “khủng” chỉ ở mức xử phạt hành chính, sau đó tịch thu bán đấu giá, nộp ngân sách Nhà nước.
Sáng 27/2, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với cơ quan chức năng của huyện Đắk Mil để xác định vị trí, tọa độ nơi khai thác hòn đá bán quý canxedon (tên gọi khác là đá Ôpan) tại xã Đắk Gằn vào dịp trước Tết Ất Mùi 2015 để cũng cố hồ sơ, xử lý hành chính đối với những người vi phạm.
Người dân, đầu nậu đá mang máy móc khai thác rầm rộ nhưng chính quyền xã Đắk Gằn không hay biết |
Thông tin được ông Trương Xuân Ánh – Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Đắk Mil xác nhận với PV VietNamNet sáng nay.
Trước đó, tại rẫy cà phê của ông Nguyễn Chí Thanh (ngụ xã Đắk Gằn), một nhóm người đã dùng nhiều máy móc đào bới viên đá bán quý canxedon, sau đó vận chuyển lên xe đầu kéo đi tiêu thụ.
Khoảng 21 giờ ngày 11/2, khi đang lưu thông trên quốc lộ 14 hướng Buôn Ma Thuột thì bị Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, kiểm tra. Hòn đá được xác định là đá bán quý canxedon, thuộc diện nghiêm cấm khai thác, vận chuyển, buôn bán dưới mọi hình thức.
Tài xế xe đầu kéo là Hoàng Văn Nghĩa (trú TP. Buôn Ma Thuột) không xuất trình được các giấy tờ liên quan, cơ quan công an đã đưa hòn đá về trụ sở tạm giữ để điều tra. Qua đo đếm, xác định hòn đá dài 4m, rộng 3,5m, cao 1,3m, ước khối lượng khoảng 18m3 (nặng từ 27 - 30 tấn).
Theo ông Trương Xuân Ánh, khi xảy ra việc khai thác hòn đá bán quý nói trên, chính quyền địa phương xã, huyện không hề hay biết. Chỉ khi cơ quan công an liên hệ đề nghị phối hợp làm việc, điều tra thì cơ quan chức năng của huyện mới hay (?) Cũng theo ông Ánh, nhiều khả năng hòn đá trên nằm trong vườn cà phê và được người dân phát hiện từ lâu. Có thể người dân lợi dụng dịp tết để khai thác, bán ra ngoài nhằm qua mắt cơ quan quản lý nhà nước.
Cận cảnh hòn đá bán quý canxedon nặng gần 30 tấn, có giá nhiều tỷ đồng |
Ông Ánh cho biết, việc khai thác đã bán quý canxedon diễn ra tại địa phương nhiều năm nay, chính quyền đã kiểm tra, xử phạt mạnh tay nên tình trạng này đã giảm. Trước đây, người dân chỉ khai thác, nhặt được những hòn đá nhỏ bằng nắm tay, bán với giá từ 20-50 nghìn đồng/kg, về chế tác làm đá phong thủy, trưng bày nghệ thuật. Hòn đá khai thác lần này được đánh giá là to và nặng nhất được tìm thấy tại địa phương - từ trước tới nay.
Cùng ngày, trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trung – Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông), ông cho biết, đá canxedon hình thành cùng với sự phong hóa về địa chất. Đá canxedon phân bố rải rác tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh dưới dạng đá mồ côi. Những viên đá bị phong hóa lâu năm thì màu nhạt, gần như “đá chết” không có giá trị. Đá canxedon có nhiều màu sắc khác nhau như xanh, hồng, vàng nhạt… Hòn đá càng to, giá trị càng cao.
Ông Trung cho biết, trước đây đã từng có một công ty được Bộ TN-MT cho phép khảo sát, thăm dò để khai thác loại đá này. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì việc thăm dò sau đó dừng lại.
Cũng theo ông Trung, việc xảy ra khai thác, vận chuyển đá bán quý canxedon tại Đắk Mil, Sở đã nghe báo cáo nội bộ. Tuy nhiên vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của cấp xã, huyện nên Sở không tham gia.
Về hướng xử lý đối với hòn đá, ông Trung cho biết, theo quy định, hành vi vi phạm nói trên chỉ ở mức ở mức xử phạt hành chính, sau xử phạt sẽ tịch thu hòn đá bán đấu giá nộp ngân sách Nhà nước.
Trùng Dương