- "Lãnh đạo phải quyết liệt, dám làm dám chịu trách nhiệm. Hệ thống đánh giá hiệu quả công việc phải cụ thể, thưởng phạt phân minh, đoàn kết nội bộ có tính thực chất, tận gốc, triệt để". Đó là những yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn dành cho VNPT, để Tập đoàn thực sự có được lực lượng "chiến binh" tinh nhuệ trong kinh doanh. 

Thông điệp này được ông đưa ra trong cuộc làm việc với Tập đoàn VNPT sáng nay, 9/6, và nó cũng được thể hiện một lần nữa trong ý kiến của Thứ trưởng Phan Tâm, người ví VNPT cần phải giống như "một quân đoàn thiện chiến với các 'chiến binh' kinh doanh tinh nhuệ thì mới có thể giành lại được vị trí số 1".

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn VNPT.

Ông Phan Tâm cho rằng, với những công nghệ mới như 4G, IoT, xuất phát điểm của các mạng gần như ngang nhau, Tập đoàn cần quyết liệt, xây dựng những giải pháp đột xuất để tận dụng cơ hội. Hoàn toàn đồng tình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, mỗi nhân viên bán hàng phải tự coi mình là một "chiến binh" trên thương trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Trước đó, Báo cáo những nét chính của tình hình tái cấu trúc Tập đoàn theo quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ, TGĐ Phạm Đức Long cho biết quá trình này đã trải qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 1/4/2014, khi Tập đoàn chuyên biệt hóa hoạt động kinh doanh của các đơn vị trực thuộc với hoạt động hạ tầng, mạng lưới. Tại thời điểm này, VNPT đã tách thí điểm khối kinh doanh tại 3 nơi là Đà Nẵng, Tiền Giang và Nghệ An, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm triển khai tiếp tại 63 tỉnh, thành.

"Sau khi tái cơ cấu, VNPT đã giảm được lực lượng quản lý từ trên 20% xuống còn 10%. Tương tự, trước đây toàn Tập đoàn chỉ có 4000 cán bộ kinh doanh, 40.000 người hỗ trợ thì nay, lực lượng trực tiếp SXKD là 15.000 người", ông Long nêu rõ. Mặc dù vậy, đại diện Tập đoàn cũng xác nhận việc đào tạo kỹ năng kinh doanh cho hơn 10.000 nhân sự kinh doanh mới cần có thời gian, không đơn giản.

Bước sang giai đoạn 2, sau khi có Quyết định cho phép từ Bộ TT&TT, VNPT đã công bố quyết định thành lập 3 Tổng công ty Kinh doanh, Hạ tầng và Dịch vụ, Giá trị Gia tăng vào ngày 15/5/2015. Đến ngày 1/7, Tập đoàn chính thức chuyển giao nguồn lực về các Tổng công ty để 3 đơn vị này có thể hoạt động tự chủ, độc lập.

Trọng tâm của giai đoạn 3 chính là tái cấu trúc khối chỉ đạo, điều hành của Tập đoàn, áp dụng mô hình quản trị mới. Sau mốc 1/10/2015, từ 15 đầu mối ban chuyên môn trên Tập đoàn đã rút xuống còn 11 đầu mối, từ 500 lao động giảm còn 300 lao động.

"Kết thúc giai đoạn này, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành quá trình tái cấu trúc theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ. Sở dĩ nói là cơ bản vì vẫn còn một số đầu việc nhỏ như thoái vốn, chia tách Bệnh viện Bưu điện", ông Long nhấn mạnh

Trước câu hỏi của Bộ trưởng về năng lực bảo mật thông tin mạng của VNPT, ông Phạm Đức Long cho biết, trước đây do hạ tầng của Tập đoàn bị chia cắt nên khó quản lý tập trung. Tuy nhiên, hiện tại hạ tầng đã được tập trung về một mối nên công tác bảo mật đã được nâng cao,quản lý điều hành xuyên suốt, chất lượng tốt hơn. Hiện Tập đoàn có 1 Trung tâm bảo mật cùng 1 Trung tâm CNTT riêng và cũng đang làm việc cùng nhiều đối tác nước ngoài về vấn đề này.

{keywords}
Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT về tình hình tái cấu trúc Tập đoàn VNPT.

 

Bộ trưởng cũng rất quan tâm đến hiệu quả kinh doanh của VNPT sau tái cấu trúc khi nêu ra nhiều câu hỏi liên quan đến sự "khác biệt" và chất lượng chăm sóc khách hàng của mô hình mới. Ông cũng băn khoăn liệu mục tiêu đẩy mạnh dịch vụ CNTT, vươn lên vị trí số 1 của Tập đoàn về CNTT đã được quán triệt đến từng nhân viên bán hàng, cụ thể hóa bằng những chỉ tiêu doanh thu hay chưa? VNPT đã chuẩn bị gì cho các mục tiêu kinh doanh CNTT? Đã có bao nhiêu chuyên gia phần mềm, có phần mềm tiêu biểu hay chưa hay vẫn chủ yếu làm theo đặt hàng?

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đức Long khẳng định hoạt động kinh doanh của Tập đoàn đã có nhiều điểm mới sau tái cấu trúc. Với sự thành lập của Tổng công ty VNPT VinaPhone, hệ thống đã thống nhất, xuyên suốt trên cả nước với hơn 130.000 điểm bán hàng, số lượng nhân viên bán hàng tăng hơn 3 lần. Bên cạnh đó, ông thừa nhận trước đây VNPT không quan tâm đến khách hàng DN mấy dù đây là khách hàng bền vững, lớn. Giờ VNPT Vinaphone có ban Khách hàng DN riêng để quản lý toàn bộ những khách hàng lớn, tiềm năng kiểu này, ông Long nói thêm.

Thị phần của VinaPhone trước tái cấu trúc chỉ 17%, giờ thị phần với các thuê bao phát sinh cước thật là hơn 20%. Mục tiêu đặt ra cho VinaPhone trong thời gian tới là phải chiếm 33% thị phần, quay trở lại vị trí số 2.

Đối với lĩnh vực CNTT, ông Long cho biết hiện Tập đoàn có 1500 lao động làm phần mềm, CNTT, riêng phần mềm là 800 người, tập trung vào những nhóm sản phẩm chính như Chính phủ điện tử (Tập đoàn đã ký hợp tác chiến lược về VT- CNTT với 45 UBND tỉnh, thành và 1 số bộ ngành, triển khai Chính phủ điện tử cho nhiều địa phương);  Y tế (Tập đoàn đang cung cấp Hệ thống Phần mềm quản lý khám và chữa bệnh cho 3600 trên tổng số 14.000 cơ sở y tế trên cả nước. Thị phần VNPT đang lớn nhất, tiếp tục triển khai hợp tác với các cơ sở y tế và bệnh viện cấp I). Ngoài ra, Tập đoàn cũng tập trung vào Nhóm sản phẩm giáo dục VN-EDu (triển khai tại 9100 trường và 3,8 triệu học sinh); Nhóm sản phẩm TN&MT: Quản lý đất đai và môi trường; Nhóm giải pháp smartcity (Đang thử nghiệm ở Phú Quốc và một số địa phương khác đang đặt hàng).

Riêng với nhiệm vụ đầu tư tiến ra quốc tế, trước câu hỏi của Bộ trưởng, ông Long chia sẻ VNPT đang chuẩn bị hợp tác với 1 số đối tác nước ngoài nhưng chủ trương đi đồng bộ cả hạ tầng đi kèm cung cấp dịch vụ CNTT, công nghiệp CNTT. Chủ động đi ra nước ngoài, tìm kiếm đối tác, phấn đấu xuất khẩu 200 triệu USD (tương đương 4000 tỷ đồng) phần cứng.

T.C