Sau khi thử nghiệm IPv6 vào cuối năm nay, VNPT sẽ tiến hành chuyển đổi, cung cấp dịch vụ IPv6 chính thức kể từ năm sau. Tương tự, Viettel cũng xác định 2016 là năm mở màn của giai đoạn chuyển đổi.
Trong ngày 15/7, Ban Công tác Thúc đẩy Phát triển IPv6 Việt Nam đã lần lượt làm việc với 2 doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel và VNPT. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, mục đích của các cuộc làm việc để nhằm có những đánh giá chung về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp đối với IPv6, lắng nghe các ý kiến, đề xuất từ phía doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất thiết bị, doanh nghiệp mạng lưới lẫn các nhà cung cấp nội dung như mạng xã hội, trang thông tin điện tử lớn. Trên cơ sở đó, Ban Công tác sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như đưa ra các chỉ đạo hiệu quả hơn.
Phó Tổng giám đốc VNPT Nghiêm Phú Hoàn cho biết, doanh nghiệp này đã tiến hành thử nghiệm kỹ thuật cũng như thực hiện các khâu chuẩn bị, đánh giá hiện trạng mạng lưới, đào tạo nhân lực vận hành mạng lưới... ngay từ những năm 2011 - 2012. Nếu không có gì thay đổi, VNPT sẽ chính thức thử nghiệm IPv6 trên một nhóm khách hàng vào cuối năm nay, trước khi cung cấp dịch vụ chính thức trong giai đoạn 2016-2017. Theo đó, VNPT sẽ cung cấp các dịch vụ truy nhập Internet, truyền số liệu, di động 3G, 4G, IPTV, Hội nghị truyền hình... trên nền IPv6.
Đánh giá về lộ trình này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng ghi nhận VNPT đã có nhiều nỗ lực chuẩn bị cho IPv6 từ sớm, chẳng hạn như việc đưa yêu cầu tương thích IPv6 vào nội dung các gói gọi thầu ngay từ giai đoạn 2011-2012. Thứ trưởng cũng khẳng định hạ tầng mạng lưới của VNPT đã tương đối sẵn sàng cho việc chuyển đổi sang IPv6. Tuy vậy, Thứ trưởng vẫn lưu ý VNPT và các nhà mạng khác cần xem xét, cân nhắc lộ trình sao cho hợp lý nhất để đến hết năm 2019 có thể cung cấp IPv6 trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, do đặc thù VNPT mới thành lập 2 Tổng công ty mới là VNPT - Net và VNPT-Media, đều có liên quan đến IPv6 nên rất cần một sự chỉ đạo chung từ phía Tập đoàn, tránh tính trạng mạng lưới chuyển đổi cho IPv6 nhưng nội dung, truyền thông lại không quan tâm. Đặc biệt tới đây, khi báo điện tử VNMedia chính thức trở thành trang tin điện tử trực thuộc Tập đoàn, VNPT cần lưu tâm đến việc chuyển đổi sang IPv6 của Vnmedia.
Một câu hỏi nữa cũng được nêu ra là vì sao các thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6 như iPhone 6, Galaxy S6 đã tương đối phổ biến, người dùng Việt truy cập các trang Facebook, Google, YouTube (đều là những trang hỗ trợ IPv6) rất nhiều, nhưng lưu lượng IPv6 từ Việt Nam ra quốc tế vẫn rất thấp.
Nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung IPv6 như vậy không thiếu, nên nguyên nhân IPv6 xuất phát chậm nằm ở phía nhà mạng. Nhưng bản thân nhà mạng lại khẳng định, hạ tầng của họ đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu nội dung và thiết bị tương thích. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, nếu cứ tranh cãi vòng quanh thì không khác gì câu chuyện quả trứng - con gà, ai nấy đều chỉ "nhìn nhau chứ không chịu làm". Việc của tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt mạng lưới hay nội dung, là đều phải chuẩn bị sẵn sàng cho IPv6.
Trước đó, trong cuộc làm việc buổi sáng với Ban Công tác, Viettel cho biết trong Q3 năm nay sẽ thử nghiệm trong Lab về cung cấp dịch vụ cố định (FTTx-PON), di động trên nền IPv6 với đầy đủ các dịch vụ đang cung cấp cho khách hàng. Sang đến Q4, Viettel sẽ ban hành thiết kế cung cấp dịch vụ di động, cố định trên nền IPv6 và thử nghiệm cung cấp dịch vụ cho một tập khách hàng thật vào Q1/2016.
Đại diện Viettel xác nhận, việc chuyển đổi sang IPv6 là tất yếu để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp này, nhất là để phục vụ cho triển khai mạng LTE 4G.
T.C