- Khi vừa sinh con xong thì vợ tôi bị trầm cảm đã bỏ nhà ra đi. Gia đình tôi tìm ròng rã suốt 1 năm nay nhưng không thấy tin tức gì của cô ấy. Nhiều người cho rằng vợ tôi đã bị lừa bán sang Trung Quốc vì nhà tôi cũng sống gần cửa khẩu.
Giờ tôi muốn làm khai sinh cho con, nhưng cán bộ xã nói không thể vì vợ tôi không có mặt tại địa phương. Xin hỏi luật sư với hoàn cảnh gia đình như thế thì tôi có thể đăng kí khai sinh cho con bình thường được không? Cần những giấy tờ, theo thủ tục gì?
Tôi muốn khai sinh cho con khi vợ đã bỏ nhà đi (Ảnh minh họa) |
Trẻ em khi sinh ra có quyền được khai sinh. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp xã) nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh. Trong 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu không thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ.
Trường hợp vợ chồng bạn có đăng ký kết hôn, để đăng ký khai sinh cho cháu bé bạn thực hiện theo thủ tục quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch:
“Người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp Tờ khai, Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ sinh ra ngoài cơ sở y tế thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.”
Đối với trường hợp hai vợ chồng chưa đăng ký kết hôn, bạn đăng ký khai sinh kết hợp với nhận cha mẹ con tại UBND xã nơi bạn cư trú.
Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch.
“Điều 12. Kết hợp giải quyết việc đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con
Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:
1. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch;
c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.”
Trường hợp có vướng mắc thì bạn có thể liên hệ với Phòng Tư pháp huyện hoặc Sở Tư pháp để được hướng dẫn cụ thể.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc