Mẹ anh ấy có khó tính, có là người nhà quê, có cục mịch, thậm chí xấu xa hay chỉ trích con dâu thì cũng vẫn là mẹ. Mẹ là người sinh ra anh ấy, cho anh ấy hình hài, nuôi anh ấy từ thuở lọt lòng, bú mớm, đớn đau. Mẹ vật vã giành giữa sự sống và cái chết trong nhiều tình huống để có được anh ấy ngày hôm nay.
Mẹ là thiêng liêng, là duy nhất, là máu mủ, là xứng đáng ở vị trí độc tôn. Thế nên làm vợ thì đừng bao giờ mong anh ấy từ bỏ hoặc yêu cầu anh ấy yêu mình hơn yêu mẹ. Thật ngu ngốc nếu bắt anh ấy lựa chọn giữa vợ và mẹ.
Đàn bà khó sống chung với nhau, ngay cả giữa mẹ con ruột cũng không phải nhà nào cũng vui vẻ. Càng khó khi bảo rằng phải yêu quý nhau hay làm vừa lòng nhau. Thế nhưng, ít nhất vợ cũng phải tôn kính mẹ chồng như tôn kính người lớn tuổi ở ngoài xã hội và điều này chắc hẳn không phải là khó. Chỉ cần đi chào về hỏi, dạ thưa đúng mực, ứng xử phải phép thì mẹ khó tính mấy cũng chẳng thể ghét bỏ mãi con dâu một cách vô lý.
Đặc biệt, càng về sau, con dâu là người đẻ cho bà cháu chắt ruột thịt nối dõi tông đường. Thời gian lâu dần, chẳng có mẹ chồng nào lại cứ hằn học với con dâu nếu con dâu là người biết điều, kính trọng mẹ chồng.
Suy cho cùng, mẹ có ghê gớm bao nhiêu, có ác khẩu bao nhiêu, có cay nghiệt hay gì đó thì cũng chỉ là mong cho con trai và cháu bà được sung sướng, hạnh phúc mà thôi.
Mẹ khắt khe với con dâu vì sợ nếu không làm như vậy thì con dâu sẽ khó làm trụ cột gia đình, khó mang niềm vui cho con và cháu bà. Con dâu nên hiểu điều này và mọi ứng xử cần hướng thiện để rút dần khoảng cách giữa mẹ chồng nàng dâu. Lâu dần sẽ tạo tình thân, thậm chí còn hơn cả mẹ đẻ ở nhiều trường hợp.
Mẹ chồng tuổi cao, cách con dâu cả một thế hệ nên đừng mong chờ tiêu chuẩn của người trẻ để yêu cầu về mẹ chồng, đòi hỏi bà làm gì cũng phải đúng ý muốn con dâu. Cũng đừng gò ép bản thân phải yêu thương mẹ chồng như mẹ đẻ vì như thế sẽ tạo áp lực cho bản thân.
Chỉ cần tấm chân tình đối với mẹ như đối với người lớn trong gia đình rồi tình cảm sẽ tự khắc kết sinh. Những hành động cử chỉ dù nhỏ nhặt của con dâu, mẹ chồng dù già cả, dù chậm chạp cũng sẽ cảm nhận được mà thôi.
Mẹ có thể rất chiều chuộng con trai mình nhưng lại dửng dưng với con dâu cũng là chuyện bình thường. Mẹ chăm sóc con trai bà vì theo tự nhiên, bản năng của người mẹ là lẽ đương nhiên. Nhưng với con dâu, mẹ không có nghĩa vụ phải chu toàn hoặc làm hài lòng con dâu.
Thế nên đừng lấy làm buồn khi mẹ chỉ pha cho con trai cốc nước cam mát lạnh khi con bà đọc báo còn con dâu hùng hục trong bếp làm cơm nóng bức, khát đến khô cổ cũng đừng trông mong.
Ấy thế mà làm vợ lại phải để ý một chút, quan tâm và chăm lo mẹ chồng một chút vì đó là bổn phận của làm dâu. Mẹ không nói, không đòi hỏi nhưng mẹ sẽ vô cùng vui, thậm chí nhớ mãi con dâu nếu đi công tác xa mua cho bà chút quà mà mẹ thích.
Mua ít thuốc lá cho mẹ ngâm chân cho đỡ nhức xương. Mẹ có thể không nói với con dâu đâu nhưng mẹ sẽ khoe với đám bạn là con dâu tôi rất chu đáo: "Hôm qua con dâu tôi đi công tác về mang cho tôi mấy túi lá ngâm chân, nó lúc nào nó cũng nhớ tôi có bệnh nhức khớp". Người già, những biểu hiện nhỏ nhặt chính là tình cảm khiến bà vui lòng.
Mẹ già, mẹ nghỉ hưu, mẹ buồn nên hay nói nhiều, hay hỏi nhiều và cả cằn nhằn nhiều nữa. Dù thế nào thì cũng chớ nên ngắt lời như kiểu "nhảy xổ vào họng" làm cụt hứng. Điều đó là tối kỵ bởi mẹ sẽ bị tổn thương vì bị xem thường.
Lắng nghe cũng là điều tăng thêm tình cảm giữa mẹ và nàng dâu. Nếu nàng dâu tâm lý còn gợi chuyện để mẹ nói nhiều hơn. Dần dần, mẹ sẽ thấy con dâu gần gũi và thậm chí xem con dâu như một người trút bầu tâm sự, có khi thích nói chuyện hơn cả con trai.
Thực ra, tôn kính mẹ anh ấy cũng là cách để sau này con cái học tập, cháu chắt chúng ta sẽ lại đối xử lại với chúng ta như chúng ta đối xử với mẹ chồng trước đây. Thế nên, có yêu quý mẹ anh ấy cũng chỉ là điều có lợi cho bản thân nhiều nhất mà thôi!
Theo Dân trí