Vụ án dường như bất tận ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào những người tình nghi thuộc một mạng lưới tội phạm được biết đến là "Ergenekon" vừa kết thúc. Các phán quyết của tòa chắc chắn sẽ âm vang trong một thời gian dài.

TIN BÀI MỚI:

{keywords}
Người biểu tình đối mặt với cảnh sát bên ngoài tòa án, nơi các phán quyết của "vụ án thế kỷ" đã được đưa ra.

Sau 5 năm tiến hành các thủ tục pháp lý, tòa đã tuyên 17 án chung thân cho một số tướng lĩnh quân đội cùng với nhiều chính trị gia, viện sĩ và nhà báo. Vụ án đã khép lại gần một nửa thế kỷ quân đội giữ vai trò chi phối ở Thổ Nhĩ Kỳ, tạo nền tảng cho một sự độc chiếm quyền lực ngày càng tăng của chính phủ dân sự.

Phiên tòa có thể ví như phiên xử hồi thập niên 1960 nhằm vào Thủ tướng Adnan Menderes và các thành viên trong Đảng Dân chủ của ông sau cuộc đảo chính quân sự đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó, tòa đã tuyên 15 án tử hình, trong đó có Menderes, và tạo nền móng cho quân đội chi phối hệ thống đa đảng ở đất nước này.

Trong vòng hơn 4 thập niên sau đó, quân đội đã can thiệp chính trường Thổ Nhĩ Kỳ tổng cộng 3 lần.

Cuộc đảo chính gần đây nhất diễn ra năm 1997, khi quân đội hạ bệ chính phủ Hồi giáo do Đảng Refah (Phúc lợi) của Necmettin Erbakan dẫn đầu. Rất nhiều thành viên của đảng này khi đó giờ là thành viên của Đảng Phát triển và Công lý đang cầm quyền.

Vụ án Ergenekon - cùng với một số vụ án tương tự tập trung vào các âm mưu lật đổ chính phủ - đã làm thay đổi sâu sắc chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, làm giảm một cách đáng kể khả năng can thiệp của quân đội vào chính trị.

Đối với một số người, vụ xử là một bước đi quan trọng trong việc đưa quân đội vào sự kiểm soát dân sự. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vụ án đã bị biến thành một cuộc truy diệt của chính phủ nhằm trừ khử các đối thủ.

Các nhà vận động cho rằng, quan ngại về sự xét xử công bằng và tình trạng giam giữ kéo dài nhằm vào một số bị cáo đã phủ bóng đen lên các nỗ lực chống lại sự miễn trừ của quân đội.

Trong vòng 5 năm, vụ án Ergenekon đã làm thay đổi nhận thức của người dân về chính phủ. Và chính sự biến chuyển ấy đã đưa nhiều người xuống phố hồi đầu năm nay để tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ. Làn sóng biểu tình đã tạo thành một liên minh chưa từng có tiền lệ từ khắp quang phổ chính trị và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, đồng lòng phản đối chính phủ.

Vụ án có thể giúp cho chính phủ củng cố quyền lực, nhưng nhiều khả năng nó sẽ tiếp tục kiến Thổ Nhĩ Kỳ bị phân cực, khiến cho nhiều bộ phận trong xã hội bất mãn. 

Thanh Hảo (Theo BBC)