-Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở bệnh viện Q7, TP.HCM (đường Nguyễn Thị Thập, P Tân Phú, Q7, TP.HCM)  xảy ra vào sáng 9/1 khiến dư luận vẫn còn dậy sóng. Công an đã bắt được đối tượng bắt cóc và cháu bé đã được đoàn tụ gia đình.

TIN BÀI KHÁC

Sau khi thông tin về vụ bắt cóc được đăng tải có nhiều luồng ý kiến khác nhau của bạn đọc, người thì cho rằng nên phạt thật nặng thậm chí vượt khung nhằm răn đe, người thì cho rằng cô ta đáng thương và mong được xử nhẹ. Theo luật pháp thì với trường hợp này được xử ở mức nào thì hợp tình hợp lý.

{keywords}.
Đối tương bắt cóc trẻ sơ sinh tại cơ quan Công an

Luật sư tư vấn:

Hành vi bắt cóc của Trâm thật đáng chê trách và phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật để nhằm răn đe và giáo dục chung cho những người khác không chọn cách giải quyết khúc mắc của mình như thế. Suy nghĩ chỉ nhằm tư lợi cho bản thân mà không nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ và gia đình nạn nhân là đáng lên án, nhưng trong chừng mực nào đó, có thể thông cảm cho sự dại dột nhất thời của người phụ nữ này mà giảm nhẹ một phần hình phạt cũng đã đủ tính giáo dục.

Căn cứ theo Điều 120 Bộ luật Hình sự (sửa đổi bổ sung năm 2009) hành vi trên của Vũ Thị Bích Trâm có đầy đủ căn cứ để bị khởi tố về tội "Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em".

Qua điều tra, hành vi phạm tội của Trâm không thuộc các trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự nên Trâm chỉ phải chịu hình phạt thuộc khung hình phạt được quy định tại Khoản 1 Điều 120 Bộ luật Hình sự là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Tuy nhiên, với 2 tình tiết giảm nhẹ là hành động tự thú và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải trước cơ quan pháp luật, Trâm có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 46 Bộ luật Hình sự và căn cứ theo Điều 47 Bộ luật Hình sự, tòa án có thể xem xét quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù mà điều luật đã quy định .

Bên cạnh hình phạt tù, cô Trâm còn có thể bị phạt hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

Cơ sở pháp lý:

Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;  

đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;

e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

i) Phạm tội vì bị người khác đe dọạ, cưỡng bức;

k) Phạm tội do lạc hậu;

l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

m) Người phạm tội là người già;

n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

o) Người phạm tội tự thú;

p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;

r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật Hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Điều 47. Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của bộ luật

Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Đối với nhiều trẻ em;

đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

e) Để đưa ra nước ngoài;

g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;

h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;

i) Tái phạm nguy hiểm;

k) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

Tư vấn bởi LS Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).