Vụ tai nạn kinh hoàng của tàu Costa Concordia khiến thế giới lo sợ về sự an toàn của những “siêu tàu”. Câu hỏi lớn nhất đặt ra là, những khách sạn nổi khổng lồ này có thực sự chắc chắn và ổn định như quảng cáo?

Với 4200 hành khách và thủy thủ đoàn trên boong, tàu Costa Concordia đã va phải đá ngầm gần đảo Giglio, Ý, sau đó nhanh chóng bị thủng và lật nghiêng, khiến cho các thuyền cứu sinh bố trí dọc thân tàu không thể hạ thủy. Nhiều hành khách và thủy thủ bị mắc kẹt trong tàu. Tính đến sáng nay, 6 người được xác nhận đã thiệt mạng và 15 người khác mất tích.

Công nghệ "tịt ngóm"

Tai nạn kinh hoàng của siêu tàu Costa xảy ra vào hôm thứ Bảy vừa qua.
Vậy tại sao một con tàu khổng lồ như Costa Concordia lại tiến sâu vào vùng nước cạn như vậy? Ông Mark Staunton-Lambert, Giám đốc Kỹ thuật của Viện Kiến trúc Hải quân Hoàng gia Anh, trả lời phỏng vấn trên NewScientist rằng các nhà điều tra vẫn đang tích cực đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Lẽ ra, các thiết bị GPS và siêu âm vật thể ngầm trên tàu đã phải cảnh báo về mối nguy từ bãi đá cạn cho thủy thủ đoàn.

Cũng giống như hàng không, hải trình đã được vi tính hóa một cách mạnh mẽ. Khoang lái của những con tàu hiện đại như Costa Concordia trông không khác gì buồng lái kính của máy bay. Theo nhận định của Liên minh Thương mại hàng hải xuyên quốc gia Nautilus International (NI) thì có thể công nghệ trung tâm của buồng lái là Hệ thống Thông tin và Màn hình Biểu đồ Điện tử (ECDIS) (vốn hiển thị tín hiệu GPS và quét siêu âm đáy biển lên cùng một màn hình) chính là khởi nguồn của mọi vấn đề. Đầu tiên, NI cho rằng dữ liệu về chướng ngại vật ngầm dưới đáy biển có thể đã lạc hậu và thứ hai, hệ thống này phát đi quá nhiều cảnh báo khiến cho thủy thủ đoàn phát bực đến mức lờ hẳn đi.

Có đủ độ cân bằng?

Nguyên nhân xảy ra tai nạn và vì sao tàu lật nghiêng quá nhanh vẫn còn là một bí ẩn.
Hiện tại, thuyền trưởng Francesco Schettino của tàu đã bị bắt giữ và có thể bị kết tội ngộ sát, mặc dù ông này khẳng định các biểu đồ điện tử hiển thị rặng đá ngầm còn cách tàu từ 100-150 mét khi tàu đâm vào. Costa Concordia bị lật nghiêng và chìm rất nhanh. Dù cao tới 13 tầng nhưng phần đáy tàu chìm dưới nước chỉ cao có 8,2m. Một số chuyên gia kỹ thuật cho rằng sự bất đối xứng này không đảm bảo sự ổn định cho tàu hoạt động. Tuy nhiên, ông Staunton-Lambert cho rằng, chỉ cần tàu tuân thủ đúng những quy định về tính ổn định cho Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đề ra thì không có vấn đề gì phải bận tâm. Tất cả những bộ phận nặng như động cơ, đồ dằn (vật nặng để giữ cho tàu cân bằng – ND) và các thùng nhiên liệu đều được bố trí ở hầm tàu. Trong khi đó, những tầng cao bên trên hầu hết là không gian trống với những “nội dung” nhẹ hơn nhiều như người và đồ đạc. “Có thể siêu tàu cao lừng lững thật, nhưng miễn là việc phân bố trọng lượng hợp lý, tập trung vào trung tâm của trọng lực thì tàu vẫn cân bằng tốt”, ông Staunton-Lambert phân tích.

Người ta làm gì để chứng thực rằng một con tàu đủ chắc chắn và cân bằng?

Khi tàu gần hoàn thiện và sắp xuất xưởng, một loạt quy trình kiểm tra sẽ được tiến hành. Người ta sẽ dịch chuyển những khối thép cực nặng, những thùng đầy nước từ bên này tàu sang đầu bên kia trong khi tàu đang nổi trên mặt nước. Họ sẽ biết được tàu sẽ chỉ chuyển dịch theo những góc đã được dự đoán trước (theo lý thuyết) trên tài liệu, trên các mô hình máy tính và hoàn cảnh mô phỏng hay không. Người ta cũng sẽ mô phỏng những trường hợp tàu bị hỏng với hàng trăm khả năng được xét tới, ông Stauntan-Lambert cho hay.

Và Costa Concordia đã vượt qua những bài kiểm tra đó?

“Bắt buộc phải vượt qua, nếu không nó sẽ không nhận được giấy phép để hạ thủy”. Cũng vì thế mà việc tàu bị mất cân bằng và lật nghiêng quá nhanh thực sự đáng báo động và khó hiểu, các chuyên gia bình luận.

Một vấn đề lớn mà các nhà điều tra sẽ phải tìm ra là: tàu Costa Concordia đã giữ cân bằng được trong bao lâu? Bởi ý nghĩa của các quy định về cân bằng tàu chính là để cho thủy thủ đoàn có đủ thời gian sơ tán hành khách khỏi tàu một cách có trật tự, chứ không phải hỗn loạn, mạnh ai nấy chạy như những gì đã xảy ra vào hôm thứ Bảy vừa qua.

Còn một hiện tượng khó hiểu nữa ở tai nạn của tàu Costa Concordia là trong suốt sự cố, tàu đã bị mất điện. Các nhà điều tra không biết vì lý do gì mà điện lại bị ngắt và ngắt trong bao lâu, cũng như tác động của nó đến hệ thống ECDIS, NewScientist tiết lộ.

Trọng Cầm

Con tàu vụ Titanic mới sắp chìm xuống đáy biển
Các nhân viên cứu hộ vẫn điên cuồng sục sạo tìm người sống sót trong khi con tàu Costa Concordia trượt khỏi bãi đá và làm dấy lên nỗi lo nó sẽ rơi xuống đáy biển.
 
Ba giả thuyết của thảm họa "Titanic 2012"
Costa Concordia không tránh được sai lầm y hệt của Titanic cách đây 100 năm: đó là hệ thống phao cứu sinh.
 
"Titanic mới" xảy ra do thuyền trưởng thích thể hiện?
Theo thông tin mới nhất, thuyền trưởng của con tàu xấu số Costa Concordia đã đưa tàu tiến gần các tảng đá để chào hỏi một người bạn trên bờ và do đó con tàu đã gặp nạn.
 
Cận cảnh con tàu chìm trong vụ "Titanic mới"
3 người và 2 thi thể mới được đưa ra từ con tàu bị chìm một nửa ở ngoài khơi bờ biển Italia trong khi cuộc tìm kiếm 15 người mất tích khắp hàng nghìn cabin trên tàu vẫn tiếp diễn.
 
Thảm họa "Titanic" lặp lại sau 100 năm
Các cảnh sát điều tra đang nghi ngờ, thảm họa này có thể xuất phát từ hệ thống điện.
 
Titanic tái diễn, hàng chục người mất tích
Tính tới chiều nay (14/1), ngoài 3 người thiệt mạng, 14 người bị thương và 4.000 người đã được sơ tán, vẫn còn khoảng 70 người mất tích trong vụ chiếc tàu du lịch Costa Concordia của Italy bị tai nạn tối 13/1.