Tìm đến lớp học của NSƯT Đàm Hàn Giang - “Hoàng tử ballet” của Việt Nam, mới thấy nếu ở vị trí khán giả, mọi người chỉ biết một phần của ballet - đó là sự toàn mỹ, tỏa sáng. Nhưng ballet còn hơn thế nữa, để được khán giả tán tụng, những vũ công đều phải trả giá bằng chính đôi chân của mình. Ai cũng phải xót xa trước những những đôi chân biến dạng, cong queo, da thịt tím tái...

Nguyễn Hồ Nguyên Thảo là học sinh trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội). Em cho biết thích ballet và theo học NSƯT Đàm Hàn Giang được vài năm nhưng không chắc có thể theo bộ môn này tới cùng. "Em mê được nhìn các nghệ sĩ ballet bay nhảy trên sân khấu nhưng tập luyện rồi em thực sự thấy khó. Động tác múa ballet khó là giơ chân lên đến mức cao nhất, qua đầu hoặc chạm vào tai, không được dùng tay cầm chân nhưng càng tập, em càng muốn chinh phục những động tác khó đó. Ballet ở Việt Nam chưa phát triển, nên lâu dài, em coi việc học này như một môn thể thao", Nguyên Thảo chia sẻ. 
Các bài học của Nguyên Thảo đều đòi hỏi độ khéo léo và kỹ thuật cao. Hàng ngày, bên cạnh học văn hoá, em phải tập bật cao, quay tròn, uốn dẻo, nhảy bước lớn, xoay người trên cao, xoay người dưới thấp, tập đi bằng hai đầu ngón chân trên giày mũi cứng nhiều khi đến rướm cả máu. Mỗi động tác chân, tay, eo xoay đều phải chuẩn, ngay cả ánh nhìn của mắt cũng vậy.
Cơ bụng rất quan trọng, góp phần tạo dáng đẹp trong các bài múa. Để có cơ bụng săn chắc, các vũ công phải tập hít đất rất nhiều, có người còn bầm dập bàn tay.
Để đi được bằng hai đầu ngón chân, các vũ công cũng phải mất nhiều lần rướm máu, thậm chí bị chai. Khán giả khen các vũ công có cơ thể của những con thiên nga, nhưng thực chất, là những con thiên nga mang đôi chân xấu xí.
 "Đặc thù của công việc luôn phải sử dụng đôi giày mũi cứng, tư thế bàn chân luôn trong tình trạng đứng bằng mũi chân, áp lực đè nặng vào phần các ngón chân đã khiến từng vũ công phải mang trên mình đôi bàn chân 'quái vật'", NSƯT Đàm Hàn Giang chia sẻ. Bàn chân nghệ sĩ múa luôn có một lớp chai dày, trông rất xấu xí. Thế nhưng, chẳng ai dám loại bỏ những vết chai ấy, bởi nó là thứ duy nhất khiến đôi chân của vũ công không bị phồng rộp, đau đớn khi thực hiện các động tác múa.
Ép dẻo và ép xoạc là 2 động tác khởi động giãn cơ quen thuộc. Để thành thạo, các vũ công phải chịu đau đớn. Khi mới bắt đầu học, đây là động tác khởi động "đáng sợ" và kinh khủng nhất.
Để trở thành diễn viên múa ballet, không chỉ có xoạc, ép dẻo hay nhào lộn, chế độ ăn cũng rất quan trọng, phải theo từ rất nhỏ. Đang tuổi ăn tuổi lớn, các em buộc phải từ bỏ nhiều món yêu thích. Vũ công không được sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, mà thay vào là sự kết hợp của thực phẩm chứa nhiều protein và chất xơ. 
Nguyễn Phạm Đức (19 tuổi) đã học tại Học viện Múa Việt Nam được 5 năm. Em cho biết thường xuyên phải nhịn ăn sáng nếu có buổi tập sớm, vì nếu ăn sẽ không thể tập được. Đức chia sẻ nghề vũ công ballet đòi hỏi giữ dáng hơn cả người mẫu, nếu ăn nhiều, bụng to thì chỉ có bỏ nghề. 
Không chỉ ghìm mình trong việc ăn uống, các cô bé, cậu bé còn phải “rèn” chuẩn mực về động tác, từ hướng đầu, hướng cánh tay, cho đến hướng bàn chân. 
Nghề múa đầy nhọc nhằn bởi không chỉ vung tay, vung chân, các em còn phải học cách cảm nhận được hơi thở từ bên trong, biểu cảm khuôn mặt nhưng vẫn giữ được thăng bằng và các động tác chuẩn mực.
NSƯT Đàm Hàn Giang chia sẻ, học múa thực sự không đơn giản và dễ dàng, luôn phải rèn luyện và học tập. Anh luôn đau đáu, mong muốn đào tạo một thế hệ diễn viên múa trẻ có tình yêu với ballet và phổ biến môn nghệ thuật này đến đại chúng một cách nghiêm túc và bài bản.

Học các đường múa cơ bản mất đến 5 năm và múa được trên giày mũi cứng sẽ mất thêm 5 năm nữa, có người mất đến 8 năm vẫn chưa thể múa được trên giày mũi cứng. Con đường không trải hoa hồng bởi phải đủ tình yêu và đam mê bền bỉ mới theo được. 

Nhiều năm qua, nghệ thuật ballet gần như không phát triển, không có đất diễn, ngọn lửa nghề không còn được trao truyền, nghệ thuật đỉnh cao ballet chỉ còn là giấc mơ. 

Biên đạo múa Tuyết Minh cho rằng, chúng ta chưa có kế hoạch đào tạo ballet bài bản. "Ballet là một bộ môn nghệ thuật đỉnh cao, nếu chỉ dựa vào nỗ lực, cố gắng của từng cá nhân thì không bao giờ thành công, mà nó phải nằm ở chiến lược phát triển và đầu tư của các nhà quản lý văn hóa".