Theo cáo trạng của VKSND huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Hưng Nguyên là trường thuộc hạng 5 theo Thông tư số 48/2008/BG&ĐT ngày 25/8/2008 của Bộ GD&ĐT.

Trung tâm được UBND huyện Hưng Nguyên giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Theo đó, trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006.

Ngày 20/5/2010, Huyện ủy Hưng Nguyên có quyết định chuẩn y chức danh Bí thư chi bộ Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên đối với bà Lê Thị Dung.

Ngày 1/10/2012, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An bổ nhiệm bà Lê Thị Dung làm Giám đốc Trung tâm GDTX huyện, nhiệm kỳ từ 2012 - 2017 và là chủ tài khoản của trung tâm này. Sau khi được bổ nhiệm, hàng năm bà Lê Thị Dung đã chỉ đạo kế toán, các tổ chuyên môn, công đoàn của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên tham mưu xây dựng quy chế hoạt động chuyên môn, quy chế chi tiêu nội bộ từ năm 2012 - 2017. 

Theo cáo trạng, quá trình xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ năm 2012 có đưa các nội dung về chế độ tiền lương, tiền công, làm thêm giờ, tuy nhiên nội dung: “đi học cao học; tập huấn, kiểm tra trong ngày làm việc bình thường; trực hè; bí thư chi bộ; bồi dưỡng giáo viên; quản lý lớp tự học; đi tập huấn; tuyển sinh; văn nghệ; trực thay; làm ngoài giờ; đưa học sinh đi thi học sinh giỏi; coi thi; lao động, chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên; hội họp; thư ký hội đồng, công tác thi đua; thanh tra; trực bồi dưỡng học sinh giỏi” không đúng quy định theo quy định tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Thông tư 28 ngày 21/10/2009 của Bộ GD&ĐT và Công văn số: 6120/BGDĐT-NGCBQLGD về việc trả lời công văn của một số Sở GD&ĐT hỏi về Thông tư số 28/2009/TT ngày 24/9/2010 của Bộ GD&ĐT.

Việc làm trên bà Lê Thị Dung không báo cáo xin ý kiến của Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An. Hàng năm Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên tiến hành lập dự toán ngân sách trong năm để chi trả các khoản lương, phụ cấp, các khoản chi tiêu khác cho cán bộ, giáo viên và người lao động. Hàng tháng, kế toán của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên lập bảng kê chi các khoản của cá nhân theo quy định của quy chế được bà Lê Thị Dung xác nhận, chuyển qua kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để quyết toán các khoản chi tiêu của từng nội dung trên tài khoản của đơn vị. 

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên đọc các lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bị can Lê Thị Dung. Ảnh: Công an Nghệ An

Đối với cán bộ, giáo viên của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, sau khi từng cán bộ tự tổng hợp, thống kê trong bảng kê hoạt động chuyên môn của mình để thanh toán tiền thừa giờ, sau đó chuyển cho tổ trưởng chuyên môn kiểm tra, điều chỉnh và ký xác nhận. Khi tổ trưởng tổ chuyên môn kiểm tra xong sẽ chuyển cho bà Lê Thị Dung kiểm tra nội dung kê khai. Bà Lê Thị Dung xác nhận thì chuyển sang bộ phận liên quan để tổng hợp chung và chuyển cho bộ phận kế toán tổng hợp, tính tiền thừa giờ trên cơ sở đã kê khai, tổng hợp, sau đó chuyển cho Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để làm thủ tục thanh toán tiền thừa giờ cho trung tâm. 

Thất thoát hơn 45 triệu đồng như thế nào? 

Theo cáo trạng, bà Lê Thị Dung kê khai hoạt động chuyên môn của cá nhân để thanh toán tiền làm thêm giờ nhưng một số nội dung không được quy định ở quy chế chi tiêu nội bộ, không đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo bảng thống kê hoạt động chuyên môn của cá nhân, ngày 24/5/2012, bà Dung có 21 tiết dạy được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ gồm: Đi tập huấn, kiểm tra trong ngày làm việc bình thường (thứ hai, thứ ba ngày 15,16/8/2011) được quy đổi thành 6 tiết dạy; Đi kiểm tra cùng Phòng Thường xuyên thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An các ngày 7, 8, 9/12/2011 được quy đổi thành 9 tiết dạy; tập huấn đổi mới kiểm tra các ngày 27, 28/8/2011 (thứ 7, chủ nhật) được quy đổi thành 6 tiết dạy.

Số tiền được thanh toán 1 tiết là 157.999 đồng, tương ứng với 21 tiết dạy là 3.317.979 đồng được chuyển vào số tài khoản cá nhân của bà Lê Thị Dung tại Ngân hàng NN&PTNN Chi nhánh huyện Hưng Nguyên.

Tuy nhiên, với những nội dung tập huấn, kiểm tra nêu trên, bà Lê Thị Dung đã được thanh toán tiền công tác phí tại phiếu kế toán số 140 ngày 28/12/2011, số tiền 510.000 đồng.

Đến tháng 5/2013, bà Lê Thị Dung được Giám đốc GD&ĐT tỉnh Nghệ An ra quyết định cử đi học lớp cao học thạc sĩ, chuyên ngành lịch sử Việt Nam, khóa 2013-2015 tại Trường ĐH Vinh.

Theo bảng thống kê hoạt động chuyên môn, ngày 22/5/2014, bà Dung có 4 tiết dạy được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ. Cụ thể 1 tiết dạy là 75.763 đồng, tổng số tiền 4 tiết là 303.052 đồng, được chuyển vào số tài của cá nhân của bà Dung.

Tuy nhiên, căn cứ việc Bí thư chi bộ đã được hưởng phụ cấp cấp ủy hàng tháng 345.000 đồng, tổng 10 tháng là 3.450.000 đồng; đi học đã được hỗ trợ số tiền 6.800.000 đồng; đi tập huấn đã được thanh toán 2.355.000 đồng; đi học cao học đã được hỗ trợ tiền học phí và các khoản khác với số tiền 9.650.000 đồng, việc thanh toán tiền thừa giờ trên là vi phạm quy chế chi tiêu nội bộ, không đúng quy định của pháp luật. 

Tương tự, việc quy đổi thành tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ trong năm học 2015 - 2016 cũng được cho là sai phạm. Theo bảng thống kê hoạt động chuyên môn của bà Lê Thị Dung (lập ngày 31/5/2016) có nội dung: Bí thư chi bộ, đi học cao học và tập huấn được quy đổi thành 111 tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ. Số tiền 1 tiết dạy là 124.419 đồng. Tổng số tiền thanh toán là 111 tiết dạy là 13.810.509 đồng, được chuyển vào tài khoản cá nhân bà Dung.

Trong khi thời điểm này, bà Dung đã được hưởng phụ cấp cấp ủy hàng tháng 345.000 đồng, tổng 10 tháng là 3.450.000 đồng; đi học cao học đã được hỗ trợ tiền học phí và các khoản khác với số tiền 6.150.000 đồng; tập huấn chuyên môn được thanh toán công tác phí số tiền 880.000 đồng. Như vậy, trong các năm học 2011-2012; năm học 2013-2014; năm học 2014- 2015; năm học 2015-2016, bà Lê Thị Dung đã thanh toán lần 1 các nội dung: Bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra theo đúng quy định với số tiền là 36.695.000 đồng.

Tuy nhiên, dù đã được thanh toán lần 1 những nội dung: Bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra nhưng bà Lê Thị Dung vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) trong các năm học 2011-2012 với số tiền 3.317.979 đồng; năm học 2013-2014 với số tiền 303.052 đồng; năm học 2014-2015 với số tiền 30.952.368 đồng; năm học 2015-2016 với số tiền 13.810.509 đồng.

Tổng số 4 lần thanh toán lần 2 của bà Lê Thị Dung là 48.383.908 đồng. Số tiền 48.383.908 đồng trong các năm thanh toán đều được chuyển vào số tài khoản cá nhân của bà Dung tại Ngân hàng NN&PTNN Chi nhánh huyện Hưng Nguyên.

Trước đó, ngày 28/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Dung (sinh năm 1971) trú tại khối 5, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Hưng Nguyên, từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền hơn 48,3 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp.

Ngày 24/4/2023, TAND huyện Hưng Nguyên tuyên phạt bà Lê Thị Dung (51 tuổi, ngụ thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên) mức án 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ".

Mới đây, ông Phạm Ngọc Thạch (57 tuổi, chồng bà Dung) cho biết gia đình đã làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của tòa án huyện Hưng Nguyên.