Đối đầu mới đây nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam đã khiến các chuyên gia quốc tế đặc biệt lo ngại, vì Bắc Kinh công khai leo thang căng thẳng với động thái chưa từng có tiền lệ trong tranh chấp biển đảo ở biển Đông.

>> "Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc không ngừng gia tăng"

>> Trung Quốc đang có âm mưu “lãnh thổ quốc gia di động”

>> Dưới Cột cờ Hà Nội nói với con về Tổ quốc

"TQ chịu mọi trách nhiệm"

Việc TQ đưa giàn khoan HD 981 cùng các tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của VN, thềm lục địa của VN vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN quy định bởi Công ước LHQ luật Biển năm 1982.

Những quốc gia trong khu vực vốn có quan điểm trung dung như Indonesia và Malaysia đã lên tiếng phản đối hành động của TQ. Bộ Ngoại giao Mỹ coi đây là "hành động gây hấn và không ích lợi gì cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực".

VN đã yêu cầu TQ phải rút giàn khoan trị giá 1 tỉ USD, kích cỡ tương đương 2 sân bóng đá cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN. Nhưng TQ vẫn khăng khăng giàn khoan này hoạt động trong vùng biển của họ.

Tờ Economist chỉ ra, việc TQ chiếm đóng một số đảo ở Hoàng Sa của VN từ năm 1974, và giờ đây tuyên bố khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình là "lập luận rất mơ hồ".

Economist cũng khẳng định, ngay cả đường "lưỡi bò" gồm "chín đoạn" bao phủ gần hết vùng biển Đông mà TQ coi là căn cứ lịch sử cũng "không có cơ sở về luật quốc tế và TQ chưa bao giờ làm sáng rõ được chính xác thì các đường này có ý nghĩa là gì".

Cùng chung quan điểm, Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng hành động gây hấn này của TQ dấy lên "quan ngại sâu sắc và chỉ làm leo thang căng thẳng ở biển Đông" và "hiển nhiên là TQ chịu toàn bộ trách nhiệm cho nỗ lực đơn phương này khi tìm cách thay đổi hiện trạng".

"Các hành động này của TQ dựa trên những tuyên bố chủ quyền không hề có cơ sở nào trong luật quốc tế. Thực tế, TQ tiến hành khoan ngay trong vùng Đặc quyền Kinh tế của VN vốn đã được định rõ trong luật quốc tế", ông John McCain khẳng định.

Căng thẳng giữa TQ và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại biển Đông lên đến đỉnh điểm khi tàu TQ cố tình va đập và dùng vòi rồng tấn công tàu VN ngày 7/5 khiến 6 kiểm ngư viên VN bị thương.

{keywords}

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Ảnh: AP

Không phải lời nói suông

Các chuyên gia an ninh nước ngoài nhận định đối đầu trên biển Đông lần này được cho là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay vì rất nhiều lý do.

Thứ nhất, dù có nhiều lần tranh cãi về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa liên quan tới việc đánh bắt cá và tàu thăm dò dầu khí, nhưng đây được coi là lần đầu tiên TQ thực sự tiến hành khoan thăm dò dầu ở các thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Thứ hai, TQ đã đưa tổng cộng 80 tàu tham gia bảo vệ và phục vụ hoạt động của giàn khoan HD981, trong đó có cả tàu quân sự, bao gồm cả tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh 753.

Thứ ba, lần này VN khó có thể không phản ứng trước một hành động mà họ coi là hành động hoàn toàn trái pháp luật. Dư luận VN đặc biệt nhạy cảm trước mọi động thái của TQ cũng như phản ứng của chính quyền trong nước đáp lại ý đồ của Bắc Kinh.

Thứ tư, sự việc này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến công du tới 4 quốc gia châu Á với mục đích trấn an các đồng minh và bạn hữu của Mỹ trong khu vực về chiến lược lấy châu Á làm "trọng tâm".

Ông Obama trấn an Nhật rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang có tuyên bố chồng lấn với của TQ đang được Mỹ đảm bảo về an ninh. Ông Obama cũng tăng cường quan hệ an ninh với Phippines - một đồng minh quan trọng nữa trong khu vực (dù không nói thẳng cam kết của Washington đối với tranh cãi ở biển Đông).

VN không phải đồng minh của Mỹ, nhưng thời gian gần đây quan hệ đôi bên đã cải thiện đáng kể, một phần vì lo ngại trước sự trỗi dậy của TQ. Và nếu Mỹ bất lực trước một TQ "gây hấn", điều đó cũng đồng nghĩa mọi cam kết của ông Obama chỉ là nói suông.

Leo thang căng thẳng ở biển Đông càng củng cố một điều là các tranh cãi "sẽ không thể được giải quyết chỉ bằng một chuyến đi hay một bài phát biểu" - bình luận của Michael Green, phó chủ tịch về lĩnh vực châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington. "Và sự việc này cho thấy phía TQ sẽ không lúng túng trước các phản ứng gay gắt trong khu vực".

"Cơn ác mộng tồi tệ nhất"

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng nhận định, đối đầu nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia láng giềng trong những năm trở lại đây cũng đánh dấu sự leo thang đáng kể của Bắc Kinh, khi sẵn sàng thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thời báo Phố Wall dẫn lời các học giả về an ninh nói rằng leo thang lần này là hệ quả tích lũy từ sự hoài nghi sâu sắc đối với các ý đồ của TQ trong một khu vực có nhiều người chơi yếu thế hơn, cộng với việc Bắc Kinh ngày càng lấn lướt trong khi không có cơ chế nào để ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng.

Đối đầu lần này cũng thể hiện vai trò của các công ty năng lượng nhà nước của TQ trong việc hỗ trợ thúc đẩy các tham vọng lãnh thổ của chính quyền Bắc Kinh.

Công ty dầu khí quốc gia CNOOC của TQ trước đó từng được coi là một nhân tố gây tranh cãi tại biển Đông. Năm 2012, giàn khoan nước sâu "khủng" được phô trương rầm rộ này được coi là "vũ khí chiến lược" của ngành dầu khí TQ.

Theresa Fallon, viện sĩ tại Học viện Nghiên cứu châu Á tại châu Âu có trụ sở ở Brussels (Bỉ), nhận định động thái của TQ thể hiện trong lĩnh vực năng lượng trong khu vực là "cơn ác mộng tồi tệ nhất" và khiến VN nổi giận.

Đối đầu lần này là một "tình huống chưa từng có tiền lệ" - Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, bình luận. Ông Storey nói rằng số lượng tàu đông đảo mà TQ điều tới là dấu hiệu rõ ràng cho thấy TQ "quyết tâm đạt mục đích để giàn khoan có thể hoạt động ở vùng biển này".

Bất chấp tất cả

Một bài viết trên Tạp chí Chính sách Đối ngoại của Mỹ đánh giá sự việc lần này diễn ra ở khu vực nóng trên biển Đông có thể trở thành mồi châm cho xung đột, nhấn mạnh vào mức độ sẵn sàng của TQ nhằm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền tham vọng và vô lý của mình, cũng như các hậu quả khôn lường từ cách tiếp cận "bất chấp tất thảy" đối với quan hệ quốc tế.

Điều đặc biệt hơn nữa, các chuyên gia trong khu vực nói rằng những hành động của TQ đang có nguy cơ hình thành một liên minh những quốc gia bất bình ở Đông Nam Á đang ngày càng phản ứng dữ dội trước các tuyên bố chủ quyền hung hăng của Bắc Kinh.

Thêm nữa, khi gây hấn với VN, Bắc Kinh có thể làm cho quan hệ với Nga thêm phức tạp trong bối cảnh Moscow đang ra sức vun đắp quan hệ gần gũi với Hà Nội.

Hai quốc gia hợp tác tích cực trong lĩnh vực hạt nhân, thương mại và đặc biệt chặt chẽ trong quốc phòng. Mỹ coi việc Moscow giúp Hà Nội xây dựng hạm đội tàu ngầm lớp Kilo nhằm đối phó với lực lượng hải quân lớn mạnh của TQ. Ngoài việc trao đổi mua bán vũ khí với Hà Nội, Moscow được cho là đang tìm cách dàn xếp một thỏa thuận cung cấp hậu cần cho tàu của Nga tại cảng nước sâu Cam Ranh.

Các động thái trên được hiểu là Nga đang tìm cách tạo dựng lại ảnh hưởng của mình trong khu vực và ngăn TQ bành trướng ở châu Á. TQ và Nga từ lâu đã ganh đua về mặt địa chính trị dọc đường biên giới dài giữa hai nước, và việc TQ gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á và Đông Nam Á khiến Nga không khỏi lo ngại về việc TQ trở nên quá nổi trội ở khu vực này.

Điều chưa ai rõ là hành động gây hấn của TQ sẽ tác động lên quan hệ vừa mới cải thiện giữa Moscow và Bắc Kinh như thế nào. Hai bên gần như đã đi đến việc sẽ ký kết thỏa thuận năng lượng khổng lồ với việc khí đốt của Moscow sẽ chuyển tới vùng đông bắc của TQ.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn được cho là đã thừa nhận việc Nga sáp nhập Crưm khi lên kế hoạch đổ nhiều tiền vào dự án hành lang giao thông ở cộng hòa tự trị này. Tới đây, hai bên sẽ tập trận chung trên biển, và nhiều học giả lên tiếng về khả năng hợp tác song phương nhiều hơn trong bối cảnh Mỹ và phương Tây liên hợp để cô lập Nga vì khủng hoảng Ukraina.

Mặc dù vậy, Ely Ratner, phó giám đốc chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhận định rằng cách tiếp cận hung hăng của TQ với các láng giềng ở biển Đông có thể làm cho việc tiếp cận trở lại với Moscow khó khăn hơn. "Việc TQ bắt nạt khắp châu Á sẽ gây ra trở ngại khi muốn tiếp cận với Moscow gần hơn, vì một số nạn nhân bị TQ chèn ép lại có quan hệ gần gũi với Nga".

Lê Thu (tổng hợp theo Thời báo phố Wall, tạp chí Chính sách Đối ngoại (Mỹ), Economist (Anh), AP)