Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang tăng cao, những hậu quả lâu dài còn phụ thuộc vào tính chất mà Tehran đáp trả và cường độ của bất kỳ một cuộc xung đột nào phát sinh sau đó.

Nếu kết quả cuối cùng là Mỹ rút quân khỏi Iraq thì mặt chính trị của tình huống này có thể hiện rõ. Về ngắn hạn, đã có những tác động có thể đối với các vòng bầu cử tổng thống Dân chủ sơ bộ, sẽ bắt đầu trong chưa đầy một tháng nữa, và cuộc tổng tuyển cử tháng 11.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Một tổng thống thời chiến?

Theo truyền thống, một tổng thống đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn thường hưởng lợi từ ít nhất một cú nảy ngắn hạn trong sự ủng hộ của dân chúng.

Hiệu ứng "biểu tình xung quanh lá cờ" từng thúc đẩy vị thế của George HW Bush trong Cuộc chiến Vùng Vịnh 1991. George W Bush cũng chứng kiến sự ủng hộ tăng cao kỷ lục trong những ngày sau loạt vụ khủng bố 11/9 và vụ ném bom Afghanistan. Tuy nhiên, đó là những sự kiện lớn về quân sự. Còn ở mức độ nhỏ hơn, những lợi ích chính trị hữu hình - ít nhất là về mặt phiếu bầu - khó mà có thể xác định được.

Điển hình, Barack Obama không chứng kiến sự thay đổi nào trong tỷ lệ ủng hộ dành cho ông trong cuộc chiến trên không ở Libya năm 2011. Khi Donald Trump nã tên lửa vào một căn cứ của Syria để đáp trả việc sử dụng vũ khí hóa học, tỷ lệ ủng hộ ông cũng tăng không nhiều.

Cuộc khảo sát đầu tiên sau vụ tấn công giết chết Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani cho thấy dân chúng Mỹ bị chia rẽ mạnh về cách thức xử lý tình huống của Tổng thống Trump, cũng như nhiều việc mà ông đã làm. Tỷ lệ ủng hộ hành động của ông Trump khá ít, nhưng cũng chỉ số lượng ý kiến tương tự bày tỏ lo ngại Tổng thống không "lên kế hoạch cẩn thận".

Như vậy, nếu không phải một chiến thắng quân sự vang dội hay một cuộc chiến đẫu máu kéo dài thì kết quả cũng chỉ bình thường khi nói về quan điểm đối với nhiệm kỳ của ông Trump.

Sự ủng hộ của đảng Cộng hòa

Tổng thống Trump có thể hưởng lợi về mặt này, như ông luôn được hưởng từ các động thái gây tranh cãi của mình, bằng cách huy động sự đồng tình từ đảng của mình. Trong cuộc khảo sát ý kiến của Huffington Post, 83% thành viên Cộng hòa nói họ tán thành cuộc không kích nhằm vào vị tướng Iran. Những người ủng hộ Tổng thống thậm chí coi diễn biến này là cách thức mới nhất "kích hoạt" các đối thủ chính trị.

Kịch bản ở Trung Đông cũng có thể giúp cho Tổng thống hút sự chú ý của dư luận trong nước khỏi cuộc chiến luận tội nhằm vào ông và phiên xử sắp diễn ra ở Thượng viện. Dường như điều đó nằm trong tính toán của Donald Trump qua một loạt thông điệp trên Twitter sáng 6/1. 

"Dành thời gian cho trò Lừa đảo chính trị vào thời điểm này của lịch sử, khi tôi quá bận, thì thật buồn!", ông viết.

Bồ câu Dân chủ

Ở phía Dân chủ, vụ tấn công nhằm vào Soleimani có thể tiếp sức cho một phong trào phản chiến bên trong đảng, vốn không có gì nổi bật kể từ sau cao trào của cuộc chiến Iraq.

Bernie Sanders, một trong những gương mặt sáng giá của đảng, đã nhanh chóng phô trương những tiêu chuẩn ứng viên hòa bình của mình. "Tôi đã đúng về Việt Nam. Tôi đã đúng về Iraq. Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn một cuộc chiến với Iran", ông tuyên bố trên Twitter, kèm theo một video về các nỗ lực chống chiến tranh của mình.

Tulsi Gabbard, một ứng viên khác phản đối mạnh mẽ những gì bà xem là "các cuộc chiến thay đổi chế độ" mà cả hai đảng theo đuổi, cho rằng vụ tấn công giết tướng Iran là một "hành động chiến tranh" vi phạm hiến pháp Mỹ.

Những tuyên bố như trên trái ngược với nhiều ứng viên Dân chủ khác, những người vừa lên án vai trò của Soleimani cho các cuộc chiến ủy nhiệm chống lại lực lượng Mỹ trong khu vực vừa chỉ trích lý do không kích.

"Có nhiều câu hỏi nghiêm túc về cách thức quyết định này được đưa ra và liệu chúng ta đã sẵn sàng hứng hậu quả hay chưa", BBC dẫn lời Pete Buttigieg. Trong khi đó, Elizabeth Warren gọi Soleimani là "tên sát nhân" còn Amy Klobuchar bày tỏ lo ngại về sự an toàn của lính Mỹ trong khu vực. Cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg lại chĩa mũi dùi vào Bernie Sanders khi nói rằng "thật thái quá" khi vị thượng nghị sĩ Vermont gọi vụ tấn công là "vụ ám sát" (cụm từ được một số ứng viên Dân chủ sử dụng).

Sự chia rẽ bên trong đảng Dân chủ, giữa những người tiến bộ và phe ôn hòa, cũng hiện lên rõ rệt khi chủ đề của những cuộc tranh luận chuyển sang chuyện chăm sóc y tế. Nếu cuộc khủng hoảng Iran trở nên nóng bỏng hơn nữa thì sử dụng vũ lực có thể sẽ trở thành chủ đề tranh cử mang tính quyết định.

Thách thức của Biden

Thăm dò của Huffpost về vụ tấn công giết tướng Soleimani đã trở thành tin tức đặc biệt tốt lành cho ứng viên sáng giá Joe Biden, với 62% các cử tri Dân chủ và thiên về Dân chủ nói họ "tin tưởng" ông về Iran. Đó cũng là tin tốt cho Sanders và Warren khi nhận được 47% ý kiến tương tự.

Theo BBC, kết quả thăm dò không phải là điều ngạc nhiên, bởi ông Biden có bề dày kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, bao gồm 8 năm làm Phó tổng thống và một nhiệm kỳ dài làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Có thể nói, trong chính trị vận động tranh cử tổng thống, một người có thể được lợi khi trở thành gương mặt nóng bỏng ở chặng cuối cuộc đua. Nhưng với cuộc khủng hoảng Iran giờ mới đang dần hiện ra thì có thể tác động mà nó mang lại sẽ là quá muộn.

Thanh Hảo