Trong khi án tử hình vẫn được tuyên, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện và tuân thủ khắt khe quy trình tố tụng hình sự; gánh nặng lương tâm những người tham gia quá trình điều tra, xét xử... nhằm giảm tối đa oan, sai.

>> Cử tri kiến nghị Chủ tịch nước xem xét vụ án Hồ Duy Hải  

LTS: Vụ việc tử tù Hồ Duy Hải vừa được tạm hoãn án tử vào "phút 89"  một lần nữa dấy lên tranh luận về việc nên giữ hay bỏ hình phạt từ hình. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Đức Lam về vấn đề này.

Trong "Đàn hương hình", Mạc Ngôn tả cảnh hành quyết phạm nhân bằng cách thức ghê rợn, sau đó trói vào gốc cây để cho chết dần. Theo lệnh của Tuần phủ Viên Thế Khải, lão đao phủ Triệu Giáp phải tìm cách hành quyết làm sao để Tôn Bính sống được đủ 5 ngày sau khi chịu hình phạt trên. Nhưng cảm phục nghĩa khí của ông, Triệu Giáp cũng đã tìm cách sao cho Tôn Bính chết một cách anh hùng, oai phong. Đàn hương hình diễn ra như một lễ nghi thành kính, trang nghiêm.

Còn bài hát "Anh phải để lại lời nhắn cho em" (I've Gotta Get a Message to You) của ban nhạc nổi tiếng Bee Gees kể về những phút giây cuối cùng của người tử tù phạm tội giết chết tình nhân của vợ mình. Anh ta muốn cất tiếng cười mà không ra cười, khóc nhưng nước mắt lặn sâu vào trong, chỉ tình yêu của cô ấy mới giúp chịu được nỗi đau này; và anh nhờ cha cố chuyển lời cuối cùng cho vợ mình:

Anh vừa để lại lời nhắn cho em

Một giờ nữa thôi, đời anh sẽ hết

Nếu đi hỏi hai người này, có nên bỏ án tử hình hay không, chắc rằng người chồng sẽ trả lời là "có". Còn lão đao phủ Triệu Giáp có lẽ sẽ đáp "không". Lý do tại sao thì khá nhiều, tùy bạn suy xét. Nhưng nó cho thấy, "có" hay "không" đối với án tử hình- một câu hỏi đang còn gây tranh luận, chưa ngã ngũ trên khắp thế giới.

{keywords}

Hồ Duy Hải trong giai đoạn xét xử - Ảnh: Hoàng Phương/ TNO

Mỗi nơi một kiểu

Từ hàng ngàn năm nay, án tử hình đã không xa lạ gì đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng từ sau Đại chiến thế giới lần thứ Hai diễn ra xu hướng bỏ án tử hình, nhất là khoảng hơn 20 năm gần đây. Vào năm 1977 mới chỉ có 16 quốc gia bỏ án tử hình, nhưng đến đầu tháng 9/2013, 106 nước đã tiến hành xóa bỏ án tử hình.

Trong số còn lại, có 39 quốc gia chỉ thi hành một bản án tử hình trong vòng 10 năm tính từ 2003. 52 quốc gia vẫn duy trì án tử hình nhưng không thi hành một bản án nào trong vòng ít nhất hoặc chủ yếu là hơn một thập kỉ, được Liên Hợp Quốc coi là "các quốc gia đã xóa bỏ án tử hình trên thực tế".

Hiện nay đang có phong trào kêu gọi bãi bỏ án tử hình trên thế giới. Liên minh châu Âu đang đặt mục tiêu góp phần xóa án tử hình trên toàn cầu, trước mắt là kêu gọi hạn chế áp dụng mức án này và nếu có áp dụng thì nên theo "các tiêu chuẩn tối thiểu nhất định". Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã thừa nhận, hình phạt tử hình là một hình thức đối xử vô nhân đạo và "không thể tiếp tục được cho là hợp pháp trong một xã hội dân chủ".

Cách đây vài năm, một Ủy ban của Đại hội đồng LHQ đã tiến hành bỏ phiếu thông qua Nghị quyết không mang tính bắt buộc, kêu gọi hoãn thi hành tiến tới bãi bỏ án tử hình, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ một số thành viên. Án tử hình cũng không được coi là hình phạt đối với tội ác diệt chủng hoặc các tội danh đặc biệt nghiêm trọng khác đi ngược lại lợi ích của nhân loại, các tội ác chiến tranh theo Quy chế của Tòa án Hình sự quốc tế (được thành lập năm 1998).

Quan điểm của giới chức trách của Việt Nam cho đến gần đây vẫn khá thống nhất, cho rằng hiện nay việc vẫn duy trì án tử hình là cần thiết nhằm đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân và vì lợi ích chung của cộng đồng và toàn xã hội. Tuy nhiên, số tội danh chịu án tử hình theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 đã giảm từ 29 xuống 22.

Trên thực tế thời gian qua, các Tòa án chủ yếu áp dụng hình phạt này với tội giết người và các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Còn trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự hiện nay (năm 2014) cũng đang đặt vấn đề xóa bỏ án tử hình, thay thế bằng án chung thân vô thời hạn.

Bỏ hay giữ: vẫn chưa ngã ngũ

Hiện nay tương quan giữa hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối án tử hình trên toàn thế giới gần như ngang nhau. Cứ thử vào xem trang web về án tử hình này sẽ biết kết quả khảo sát dư luận xã hội ở nhiều nước. Theo đó, ở hầu hết các nước phát triển và phương Tây, người dân cho rằng cần bỏ án tử hình. Trong khi đó, ở các nước phương Đông, ngay cả như ở Nhật Bản, hay như các nước Hồi giáo, đa số người dân lại có ý kiến ngược lại.

Những người ủng hộ án tử hình viện dẫn những lý do như: vì một mạng sống của một người vô tội bị cướp đi, thì giết hàng ngàn kẻ có tội cũng đáng. Hoặc là, trong một năm tước quyền được sống của vài chục người để đảm bảo quyền được sống bình yên cho hàng chục triệu người khác là việc làm cần thiết, hợp đạo lý.

Những người ủng hộ án tử hình tại những nước như Hoa Kỳ, Singapore lập luận số án tử hình ngày càng giảm là vì việc duy trì án này đã có tính răn đe. Chẳng hạn, vài năm trước, nhà chức trách Singapore dẫn chứng, việc tiêu thụ và lạm dụng ma túy tại đảo quốc này đã giảm nhanh chóng kể từ hồi có án tử hình đối với tội danh này từ thập niên 1970. Còn ở Việt Nam, nhiều người trong giới chức trách và cả luật sư cho rằng, trong nhiều trường hợp, chính mối lo sợ bị kết án tử hình đã ngăn thủ phạm không tiếp tục phạm tội ở mức nguy hiểm hơn.

Ngược lại, những người đòi bỏ án tử hình cho biết, theo nghiên cứu thực nghiệm ở Mỹ, hình phạt tử hình không có tác dụng răn đe những kẻ phạm tội. Trong một cuộc khảo sát, 85% các chuyên gia tội phạm học hàng đầu và trên 2/3 của 400 cảnh sát trưởng đều tin chắc rằng án tử hình không có tác dụng làm giảm đáng kể tội phạm giết người hoặc các tội nghiêm trọng khác, cũng như không có tác dụng răn đe.

Ở Việt Nam, trong số những người ủng hộ bỏ án tử hình, đáng chú ý là có cả luật sư từng bào chữa cho Lê Văn Luyện. Ông dẫn chứng, người ta biết nếu vận chuyển buôn bán 600 gram heroin trở lên sẽ có thể xử tử hình mà vẫn phạm tội; chứng tỏ án tử hình còn đó nhưng vẫn không hạn chế được tội phạm.

Nghiên cứu về tâm lý học tội phạm cho thấy, hầu hết các phạm nhân giết người đều không cân nhắc thiệt hơn trước khi hành động, mà đó là những hành động tức thì, bột phát. Trên thực tế, việc thi hành án tử hình còn kích động bạo lực nhiều hơn tính răn đe. Mặt khác, nó để lại ấn tượng tâm lý xấu rất lớn đối với thân nhân của các tử tù, các sĩ quan, cảnh sát trực tiếp tham gia xử tử và cả xã hội.

Thật thú vị khi chúng ta được biết, vào năm 1853, trong một bài báo trên tờ New-York Daily Tribune, Karl Marx đã đi trước thời đại tới 150 năm khi cho rằng hình phạt tử hình không phải là biện pháp hiệu quả hay có thể chấp nhận được trong việc ngăn ngừa các hành vi phạm tội hoặc bảo đảm trật tự trị an.

Những người đòi bỏ án tử hình lập luận, tử hình là sự vi phạm quyền sống và quyền không phải chịu những đối xử hay trừng phạt dã man, thiếu nhân đạo và hạ nhân phẩm, như được nêu ra trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và trong nhiều Hiến pháp của các quốc gia.

Những người phản đối án tử hình cũng nhấn mạnh cần tránh tử hình oan, sai. Chẳng hạn, từ năm 1973-2005 có 123 người ở 25 bang ở Mỹ đang đợi ngày bị tử hình đã được ra tù vì có chứng cứ mới cho thấy họ vô tội.

Với nền tư pháp còn nhiều lỗi ở các nước đang phát triển như Việt Nam với các án oan sai, tử hình từ một công cụ răn đe tội phạm, thực thi công lý có nguy cơ lớn trở thành lưỡi hái cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội.

Nhìn vào cuộc tranh luận chưa có hồi kết này, nếu trở lại với Mạc Ngôn và các thành viên nhóm Bee Gees, liệu họ trả lời như thế nào nhỉ? Và liệu sẽ có ngày Việt Nam bãi bỏ án tử hình không? Điều này chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta bỏ án tử hình vì do chính lòng vị tha, hiếu sinh ở trong mỗi con người lên tiếng, để xây dựng một hình ảnh Việt Nam nhân văn hơn. Đàn hương hình hay "Anh vừa để lại lời nhắn cho em" đều mượn tử hình để nói đến những giá trị nhân văn ấy.

Còn trong khi án tử hình vẫn được tuyên, cần tiếp tục hoàn thiện và tuân thủ khắt khe quy trình tố tụng hình sự; gánh nặng lương tâm của thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư là làm sao giảm tối đa các trường hợp bị xét xử oan, sai dẫn đến có thể có những án tử hình oan uổng; chú ý xem xét các tình tiết, bằng chứng có thể giảm nhẹ tội giúp các phạm nhân thoát án tử hình.

Theo một khảo sát toàn cầu trên một trang web năm 2010, trong số gần 2100 người nhấp chuột biểu quyết đối với câu hỏi có đồng ý với án tử hình hay không, hơn 1200 người trả lời đồng ý, chiếm 58%, hơn 850 người trả lời không đồng ý, chiếm 42%.

Còn ở Việt Nam, theo khảo sát trực tuyến trên báo điện tử Đất Việt, vào thời điểm 4/12/2014, trong số hơn 6600 người trả lời, có hơn 3750 người chọn phương án giữ nguyên án tử hình (gần 57%), 1190 người chọn thay án tử hình bằng chung thân suốt đời (18%), hơn 1660 người cho rằng nên áp dụng cả hai cách trên tùy trường hợp (25%).

Trong khi đó ở Trung Quốc, năm 2007, khi được hỏi liệu Trung Quốc có nên đẩy nhanh quá trình xóa bỏ án tử hình, có 53% số người được hỏi đã phản đối và 33% khác cho rằng họ "không chắc chắn".