Tại một kho vũ khí lớn ở thủ đô Libya, các xe tải xếp hàng để chở vũ khí với đủ loại mìn, rocket và đạn súng cối trước khi hướng tới vùng núi phía tây.

TIN BÀI LIÊN QUAN:



Quân nổi dậy Libya tại một kho vũ khí bỏ không của Gaddafi.


Chưa đầy một tháng sau khi quân nổi dậy giành được Tripoli và buộc nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi phải bỏ chạy, các nhóm quân nổi dậy tranh nhau thu giữ mọi loại vũ khí có thể, thường là từ các kho vũ khí không người bảo vệ mà lực lượng Gaddafi bỏ lại. 

Một số nhóm không công nhận quyền lãnh đạo của chính phủ dân sự lâm thời, và nhiều đối thủ đang nổi lên - những diễn biến khiến các nhà chức trách, dân thường và các tổ chức nhân quyền lo ngại. 


Bên trong một kho đạn ở Libya.


"Cho đến khi chúng tôi có một quân đội quốc gia, điều này sẽ tạo ra một mối đe dọa an ninh thực sự", trích lời Noman Benotman, cựu chiến binh chống Gaddafi và giờ là một nhà phân tích cấp cao của nhóm cố vấn Quilliam ở London. 

Chính phủ Mỹ cho rằng, nguy cơ các kho vũ khí của Libya rơi vào tay kẻ xấu là rất nghiêm trọng. Các quan chức Mỹ e rằng, một số trong nhiều nghìn tên lửa đất đối không - đặc biệt là các hệ thống phòng không tinh vi phóng từ vai có thể hạ các máy bay dân dụng, còn được gọi là Manpad - có thể rơi vào tay al-Qaeda. 


Rất nhiều vũ khí bị những người trung thành với Gaddafi bỏ lại khi tháo chạy.

Tuy nhiên, một khối lượng lớn thiết bị nổ, hơn nhiều so với các kho vũ khí mà Saddam Hussein bỏ lại giúp cho lực lượng nổi dậy ở Iraq, cũng là một mối nguy thực sự, đặc biệt nếu Gaddafi thoát ra nước ngoài và dùng sự giàu có của mình để tài trợ cho một phong trào chống đối. 


Nhiều vũ khí ở các kho không người ở Tripoli bị lấy cắp.


"Trong khi cộng đồng quốc tế đến hôm nay vẫn tập trung vào các Manpad, đối với Libya, mối đe dọa lớn hơn là từ các thiết bị nổ và vũ khí có thể được dùng để chống lại họ, cũng như ở Iraq và Afghanistan", theo Peter Bouckaert, giám đốc phụ trách các tình huống khẩn cấp thuộc Tổ chức Giám sát Nhân quyền.

"Sự hòa trộn của các kho vũ khí không được bảo vệ này, với một nhà lãnh đạo vẫn chạy trốn và có thể tiếp cận các quỹ, cùng một phần dân số vẫn trung thành với ông ta, là một nguy cơ chết người". 


Có nhiều lo ngại các vũ khí mà Gaddafi bỏ lại rơi vào tay kẻ xấu.


Những ngày sau khi Tripoli sụp đổ, một số cá nhân đã cướp phá các kho vũ khí, và một phần vũ khí bị trộm đã tìm đường ra thị trường quốc tế, theo Bouckaert. Ông cảnh báo viễn cảnh điều này có thể gây bất ổn ở khu vực Bắc Phi, từ Chad và Sudan tới Niger, Mali và Algeria. 

Thanh Hảo (T.H)