Sau khi Tổng thống Barack Obama nói rằng sự kiện máy bay Malaysia bị bắn rơi
cho thấy đã đến lúc phải chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraina, Đức tuyên bố
Moscow có cơ hội cuối cùng để hợp tác.
TIN LIÊN QUAN:
MH17 - Nụ cười ra đi, mảnh vỡ để lại
Hoa, nến và niềm thương cho MH17
Toàn cảnh vụ máy bay Malaysia rơi ở Ukraina
Theo hãng tin Reuters, các cường quốc châu Âu dường như đang hưởng ứng niềm
tin của Mỹ rằng quân li khai thân Nga là thủ phạm bắn rơi máy bay số hiệu MH17
chở 298 người thuộc nhiều quốc gia đang hành trình từ Amsterdam tới Kuala
Lumpur. Điều đó có thể đẩy mạnh các đòn cấm vận thương mại lên Moscow mà không
cần đợi bằng chứng cuối cùng.
Các quan sát viên OSCE buộc phải đi bộ tới cánh đồng nơi máy bay rơi. (Ảnh: BBC) |
"Ông ấy có cơ hội cuối cùng để chứng tỏ ông ấy có ý muốn giúp", Reuters dẫn lời Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sau một cuộc điện thoại với Tổng thống Putin.
Anh - nước mất 10 công dân trong thảm họa MH17 - tuyên bố rằng thêm nhiều lệnh cấm sẵn sàng nhằm vào Nga. "Nếu Nga là thủ phạm chính, chúng tôi có thể hành động mạnh tay hơn chống lại họ và cho thấy rõ kiểu chiến tranh bảo trợ này là hoàn toàn không thể chấp nhận được", Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon nói với báo Daily Mail.
Thủ tướng Anh David Cameron nói các nước châu Âu nên dùng sức mạnh của mình để giải quyết khủng hoảng Ukraina "nhưng đôi khi chúng ta vẫn cư xử như thể chúng ta cần Nga hơn Nga cần chúng ta".
Thủ tướng Đức Angela Merkel - nhân vật quyền lực nhất ở châu Âu hiện nay - đã có cuộc trò chuyện với Tổng thống Putin hôm 19/7 và kêu gọi nhà lãnh đạo Nga hợp tác. Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier phát biểu với báo Bild am Sonntag: "Giờ đây Moscow có thể có cơ hội cuối cùng để chứng tỏ rằng họ nghiêm túc quan tâm đến một giải pháp".
Cũng như nhiều nước châu Âu khác phụ thuộc vào năng lượng Nga và ràng buộc chặt chẽ với Nga về thương mại hơn so với Mỹ, Đức không muốn leo thang đối đầu với Moscow. Tuy nhiên, với việc hành động quân sự không được coi là một lựa chọn thì sức mạnh kinh tế sẽ là một công cụ quyết định.
Anh kêu gọi Nga dùng ảnh hưởng của mình đối với quân nổi dậy Ukraina để cải thiện việc tiếp cận hiện trường. (Ảnh: Reuters) |
Phía Nga, hôm 19/7, khẳng định sẽ trả đũa các lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên nước này từ tuần trước, trước khi xảy ra thảm họa MH17, bằng cách "cấm cửa" một số người Mỹ, đồng thời cảnh báo về một "hiệu ứng gậy ông đập lưng ông" đối với thương mại Mỹ. Tuy nhiên, hai Ngoại trưởng Sergei Lavrov và John Kerry đã nhất trí trong một cuộc điện đàm rằng sẽ nỗ lực đưa hai phe ở Ukraina đạt đến một sự đồng thuận về hòa bình.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ quy trách nhiệm cho Nga, nói rằng ông Kerry đã yêu cầu Nga thực hiện "các hành động ngay lập tức và rõ ràng để giảm bớt căng thẳng ở Ukraina".
Trong khi đó, quả quyết máy bay Boeing 777 chở 298 người của hãng Malaysia
Airlines đã trúng một tên lửa radar dẫn đường SA-11 Nga, chính quyền thân phương
Tây ở Kiev khẳng định họ có "bằng chứng thuyết phục" rằng khẩu đội pháo đã bắn
máy bay không chỉ được đưa từ Nga tới mà còn được vận hành bởi 3 công dân Nga và
nhóm này sau đó đã đưa hệ thống trở lại bên kia biên giới.
Theo Thủ tướng Ukraina, chỉ những nhóm "cực kỳ chuyên nghiệp" mới có thể bắn hạ
một máy bay đang di chuyển ở độ cao 10.000m - không thể là "những kẻ giết người
say xỉn" trong lực lượng quân nổi dậy muốn miền đông nói tiếng Nga của Ukraina
sáp nhập với Moscow.
Hiện các quan sát viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã có mặt tại một phần hiện trường MH17 rơi gần làng Hrabove và sự tiếp cận của họ bị cản trở bởi những người thuộc lực lượng của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng.
Reuters cho biết, một thông tín viên của hãng đã nghe thấy một thành viên cấp cao của quân nổi dậy Ukraina nói với phái đoàn OSCE rằng họ không được tiếp cận xác máy bay và sẽ chỉ được thông báo theo trình tự một cuộc điều tra do phe li khai tiến hành. Tuy nhiên, các tay súng sau đó vẫn cho họ tới khu vực một trong hai động cơ của máy bay rơi.
Thanh Hảo