- Sự cố sạt lở nghiêm trọng ở Đại Từ, Thái Nguyên càng khiến người dân sống xung quanh khu vực bãi thải thêm hoang mang lo lắng. Ròng rã nhiều năm nay, người dân đã gửi đơn khiếu kiện lên các cấp chính quyền về việc ô nhiễm từ bãi thải, nhưng, dân kêu vẫn không thấu!
Cả làng ngăn đường chặn xe chở thải
Bãi chứa chất thải từ khai trường mỏ than Phấn Mễ rộng hàng chục ha chính thức được hình thành từ khoảng năm 2006. Gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân liền kề sống bên cạnh khu bãi đất thải hoang mang trong sợ hãi.
Những hậu quả từ bãi chứa thải đối với người dân là vô cùng nghiêm trọng.
Ông Hà Văn Hồng, 62 tuổi, trú tại thôn Khuân 1 bức xúc: “Đây không phải lần đầu tiên bãi chứa thải bị sạt lở. Nó đã từng bị sạt lở rất nhiều lần. Ngay như năm 2008, một vụ sạt lở bãi thải xảy ra tại thôn Khuân 3 nhưng không nghiêm trọng bằng đợt này. Rất may, mọi người đều chạy thoát khỏi khu vực sạt lở nên không ai bị thiệt mạng!”.
Ông Hà Văn Hồng, thôn Khuân 1 bức xúc khi trao đổi
câu chuyện với VietNamNet.
Theo ông Hồng, sống chung với khói bụi là một vấn nạn mà người dân ai cũng phải chấp nhận, cam chịu.
“Mùa hè nắng nóng, mỗi khi có đợt gió lớn, bụi cát bay mù mịt, ăn bữa cơm cũng không xong. Tiếp đến là vấn đề ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, trồng cây hoa màu, trồng lúa bị ảnh hưởng!”.
Rất nhiều lá đơn của tập thể người dân các xóm Khuân 1, Khuân 2, Khuân 3 gửi kiến nghị lên xã, lên huyện, các phòng ban chức năng, kiến nghị cả lên Ban dự án của công ty nhưng chuyện đâu vẫn vào đó. Dân kêu nhưng không thấu!
Xóm Khuân 1 có hơn 130 hộ dân, trong đó sống liền kề sát với chân bãi thải lên tới vài chục hộ, trong đó, 12 hộ dân vừa bị san phẳng trong đợt sạt lở vào sáng 15/4 vừa qua; hai hộ dân đang bị trực tiếp đe doạ bởi đám đất đồi bị ùn sát mép cửa thì... dừng lại.
Chị Vương Thị Khuyên, SN 1965, nhà ở tại thôn Khuân 3 mấy ngày nay bỏ công việc nhà để ra hiện trường xóm Khuân 1 lo lắng theo dõi việc tìm kiếm. Cũng giống như chị, hàng trăm người dân ở các xóm đều ở tình trạng nóng như lửa đốt.
6 nạn nhân xấu số thiệt mạng trong vụ sạt lở nghiêm trọng vừa qua một lần nữa lại khiến cho nỗi lo lắng vì hàng chục năm sống sợ hãi bên “miệng tử thần” của họ thêm đầy.
Bãi chất thải lừng lững như một khối núi khổng lồ
lấn sát nhà dân.
Chị Khuyên bức xúc: “Bãi đất thải đã làm đảo lộn cuộc sống của chúng tôi nhiều năm nay. Ruộng đất, hoa màu canh tác bị ảnh hưởng không trồng cấy được. Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm trầm trọng, có mùi không sao dùng được. Nhiều nhà phải bóp mồm bóp miệng mua máy lọc nước, nhưng vẫn không cải thiện được!”.
Đỉnh điểm của những mâu thuẫn từ phía người dân với đơn vị đổ chất thải là thời điểm đầu thàng 4/2012 vừa qua. 60 hộ dân thôn Khuân 3 đã bỏ công việc hai ngày để chặn đường ngăn không cho xe chở thải được vào bãi chứa. Khi sự việc giằng co còn chưa nguội thì xảy ra sự việc tang thương tại xóm Khuân 1 vừa qua...
Bãi thải... đuổi người dân!?
Khu vực tập kết hàng triệu m3 đất thải từ khai trường mỏ than Phấn Mễ trước đó nguyên là khu đất đồi, đất rừng trồng theo dự án PAM.
Nhiều hộ dân xã Phục Linh trước đó cũng tận dụng trồng sắn, trồng hoa màu ở những khu đồi liền kề.
Năm 2006, bãi chứa đất thải được chính quyền Thái Nguyên phê duyệt cho đơn vị khai thác. Ban đầu, nó nằm liền kề với thôn Khuân 3.
Theo thời gian, nó “phình” ra và lấn dần sang các thôn Khuân 1, Khuân 2. Khi nó trở thành những “núi” đất thải rộng hàng trăm ha, cao hàng trăm mét, lên tới bẩy tầng (người dân gọi là 7 thớt) cũng là lúc cuộc sống người dân sở tại bị đe doạ nghiêm trọng.
Cảnh hoang tàn, tang thương như một khai trường đổ
nát tại bãi chứa chất thải ở xã Phục Linh.
Ban đầu là bụi cát, bụi đất đá đe doạ. Nhà nào cũng phải mua mành, mua bạt về trùm kín những khi trời gió chướng. Tiếp đến là nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng.
“Nước sinh hoạt của chúng tôi trước kia là giếng khoan, giếng khơi trong vắt, không phải dùng bể lọc, máy lọc bao giờ. Sau đấy, nó chuyển sang màu vàng xỉn, rồi màu đỏ quạch và bắt đầu có mùi khẳn rất khó chịu, dân không ai dám nấu ăn” - chị Khuyên kể chuyện.
Chuyện ô nhiễm nguồn nước được phản ánh lên phía doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Nhiều đoàn thanh tra, chức năng, phòng ban, chuyên gia... tìm về thôn Khuân để tìm hiểu tình hình.
“Người ta mang mẫu nước đi xét nghiệm rồi bảo, tất cả các chỉ số vẫn trong phạm vi cho phép. Chúng tôi chẳng biết những chỉ số đó là gì, chỉ biết bảo, nếu các anh bảo đạt tiêu chuẩn thì các anh cứ uống trước mặt cho chúng tôi xem...” - chị Khuyên bức xúc.
Theo lời chị Khuyên: “Chúng tôi múc ca nước lên cho các bác ấy uống, nhưng bác nào cũng quay đi. Chỉ có một anh cán bộ bên ngành môi trường uống, xong rồi cũng phải nhanh chóng nhổ đi. Đấu tranh mãi, mới rồi họ (bên doanh nghiệp) mới cấp 6 máy lọc nước cho sáu hộ dân. Tới đây họ hứa sẽ trang bị thêm vài chục máy lọc nước cho các gia đình còn lại...”.
Xóm Khuân 3 nơi chị Khuyên sống có 60 hộ. Đây cũng là xóm “tiên phong” trong việc đấu tranh đòi di dời đống đổ chất thải, vì đây là xóm ngay từ đầu đã sống chung với đống thải to như núi.
Hết vấn nạn ô nhiễm bụi than, ô nhiễm nguồn nước, lại đến chuyện canh tác. Nguồn nước ngầm bị ô nhiễm đã ảnh hưởng tới việc canh tác của người dân. Lớp đất bùn bị nước mưa xối đổ ra đám ruộng khiến lúa không lên được.
Chị Khuyên cho biết: trước đó, năng suất lúa của chúng tôi trung bình trên dưới 2 tạ/sào. Từ khi bãi thải đưa bùn chèn ra ruộng khiến cây lúa bị nghẽn thân không lên được; nguồn nước ngầm bị nhiễm hoá chất cũng làm cây lúa bị thoái hoá.
Lại một cuộc đấu tranh mới. Giằng co sau rất nhiều năm, cuối cùng phía doanh nghiệp cũng phải nhượng bộ.
“Họ hứa với chúng tôi sẽ đền bù hỗ trợ 50kg thóc/một sào lúa, nhưng khi thực hiện họ chỉ hỗ trợ 30kg/1 sào. Chúng tôi kiến nghị, họ hứa sẽ trả nốt phần còn lại (20kg) và sẽ truy thu từ năm 2010 đến nay. Nhưng tới giờ, vẫn chỉ là lời nói gió bay, anh ạ...” - chị Khuyên ngán ngẩm.
Phục Linh là xã bán sơn địa. Không cần phải chính quyền xã báo cáo, nhìn đời sống người dân, nhìn hạ tầng cơ sở... bày ra trước mắt, ai cũng có thể khẳng định đây là một xã nghèo.
Có lẽ, sẽ rất khó để Phục Linh thoát khỏi “135” nếu không có một “cú hích” đột biến. Tuy nhiên, cũng như bãi chứa đất đá thải ngày càng phình to về quy mô, cây cối hoa màu ngày càng giảm năng suất, có lẽ, đời sống người dân sẽ rất khó có một cơ hội để thay đổi...
Kiên Trung – Lương Lý