Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 38 bị can trong vụ án ''Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước'' xảy ra tại Công ty TNHH Thành An Hà Nội, Công ty TNHH thiết bị y tế Danh, Công ty TNHH thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan. Hậu quả vụ án, Nhà nước thiệt hại ngân sách hơn 743 tỷ đồng tiền thuế.
Cơ quan điều tra (CQĐT) cho rằng, nhiều năm qua, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế nói riêng đã sử dụng phần mềm kế toán như FAST, MIMOSA… để cập nhật 2 hệ thống sổ tài chính theo dõi số liệu thực thu, thực chi (sổ nội bộ) và số liệu báo cáo các cơ quan chức năng thuế, kiểm toán (được theo dõi ở một sổ khác).
Quá trình kinh doanh, doanh nghiệp đã thực hiện một số khoản chi không có chứng từ và không thể hạch toán được theo quy định của pháp luật kế toán. Để bù đắp vào các khoản chi phí đó, cũng như để hưởng lợi bất chính, doanh nghiệp đã có hành vi mua hóa đơn khống, tăng doanh thu đầu vào dưới hình thức nâng giá vốn hàng bán, che giấu lợi nhuận thực tế và giảm thuế phải nộp cho Nhà nước.
CQĐT Bộ Công an cho rằng, cơ quan quản lý đã thiếu thanh tra, kiểm tra, để các đối tượng bán hóa đơn sử dụng CMND của một số người quen thiếu hiểu biết, nhặt được của người khác để tự thành lập một hoặc chuỗi công ty/hộ kinh doanh có cùng địa chỉ hoặc đặt trụ sở tại “văn phòng ảo”, thuê người làm đại diện pháp luật.
Có đối tượng mua lại công ty/hộ kinh doanh sắp giải thể, phá sản rồi thay đổi đại diện pháp luật chỉ để xuất bán hóa đơn khống hưởng lợi.
Theo CQĐT, có việc thiếu kiểm tra thực tế hàng hóa (hóa đơn đầu vào không có nhưng đầu ra rất nhiều), các hộ kinh doanh cũng không phải thực hiện kê khai… từ đó các chủ hộ kinh doanh lợi dụng việc không phải kê khai, không mở sổ kế toán để chứng minh đầu vào, trong khi thấy nguồn thu ổn định nên duy trì việc xuất bán hóa đơn khống một thời gian dài mà không bị phát hiện.
Từ các nguyên nhân trên, Bộ Công an kiến nghị cơ quan quản lý thuế báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về hạn mức doanh thu của hộ kinh doanh.
Đối với các hộ kinh doanh có doanh thu “vượt ngưỡng”, bắt buộc phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai, mở sổ sách kế toán, chứng minh hàng hóa đầu vào, lưu giữ đầy đủ hồ sơ đầu vào.
Cơ quan quản lý nhà nước về thuế cần ban hành quy định cụ thể về các mặt hàng đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh (nhất là mặt hàng vật tư tiêu hao kỹ thuật cao, trang thiết bị y tế) mà các công ty được phép kinh doanh. Ví dụ, đối với mặt hàng vật tư tiêu hao kỹ thuật cao, ngoài Sở KH&ĐT cấp phép còn phải được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu…
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thuế các cấp cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các công ty/hộ kinh doanh có doanh thu cao bất thường, tài sản không tương xứng với doanh thu; xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các công ty/hộ kinh doanh liên quan đến việc ký hợp đồng, xuất hóa đơn GTGT trái phép từ năm 2017 - 2022.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần quy định chặt chẽ đối với việc cung cấp, sử dụng phần mềm kế toán doanh nghiệp (mỗi doanh nghiệp chỉ được cung cấp, sử dụng 1 phần mềm kế toán).