Kiểu người như Xuân Tóc Đỏ ta có thể bắt gặp ở bất cứ xó xỉnh nào, thời kỳ nào trong đời sống thành thị và tính cách thị dân. Sự thành công đến mức nhân vật được sử dụng như tính từ, kiểu như Sở Khanh, Kiều, Chí Phèo... và Xuân Tóc Đỏ thì khó có sự sáng tạo tiếp theo nào có thể vượt qua hay thay đổi được.

>> Vũ Trọng Phụng- người không hề xưa cũ!

LTS: Gần một thế kỷ trước, Vũ Trọng Phụng viết "Xã hội Việt Nam này, thật vậy, đã bắt đầu loạn dâm. Sự làm giàu đùng đùng của các thầy lang chữa bệnh hoa liễu. Sự phát đạt của những tiệm khiêu vũ, tăng số của bọn giang hồ, nạn hoang thai, những vụ án vì tình mà hàng ngày các báo đăng lên mục tin đặc biệt, sự chán đời đến tự tử của một số nam nữ thiếu niên, hiếp dâm, vân vân, đã đủ dẫn chứng cho lời than ấy.

Đứng trước tình thế ấy mà chỉ khoanh tay kêu: Ôi phong hóa suy đồi, thì nào có ích gì cho ai? Tìm một nền luân lý cho sự dâm giáo hóa cho thiếu niên để biết rõ tình dục là những gì, đó là những việc phải làm ngay vậy...

Gần một thế kỷ trôi qua, những vấn đề được đặt lên trang giấy của nhà văn họ Vũ dường như lại đang được đặt ra bức thiết trước sự bùng nổ phát triển ồ ạt của đô thị và đời sống thị dân.

Trong dịp 100 năm ngày sinh của cố nhà văn, người ta không chỉ nhắc đến cuộc đời và các tác phẩm của nhà văn. Họ còn đặt giả thuyết, nếu sống đến thời đại này, nhà văn hiện thực trào phúng sẽ viết những gì?

Tuần Việt Nam trò chuyện cùng nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.



Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Thực tại một xã hội đang giao thời

- Như thể một sự ‘dự báo’, tất cả những vấn đề trước đây Vũ Trọng Phụng đặt ra về bộ mặt xã hội dường như đều đang xuất hiện đều đặn trên mặt báo hàng ngày. Theo ông, cố nhà văn có tài tiên đoán, hay chúng ta đang chạm đến ‘một xã hội kỳ quặc’ như một nhà phê bình nói về văn Vũ Trọng Phụng?

- Trước hết phải khẳng định: Vũ Trọng Phụng cũng giống như bất kỳ một nhà văn nào khác. Khi họ viết ra tác phẩm họ không hề nghĩ tới việc ‘dự báo’ hay ‘tiên cảm’ gì cả. Đơn giản họ chỉ viết ra những gì họ trải nghiệm, họ nhìn thấy; hay nói cách khác họ chỉ diễn giải ra những gì mà cuộc sống thực tại đã truyền tín hiệu đến ‘rada nhà văn’ cho họ. 

Thực tại của Vũ Trọng Phụng khi đó là một xã hội đang chuyển mình từ đời sống thực dân phong kiến sang quá trình Âu hoá và đô thị hoá. Quá trình đó phơi bày những vấn đề của đời sống đô thị, trong đó đương nhiên có cả những vấn đề Vũ Trọng Phụng đề cập đến. Trong đó có cái lố lăng, có cái kệch cỡm, có cái xung đột… trong những quan điểm thẩm mỹ và đạo đức xã hội giữa phương Đông và phương Tây.

Nhà văn không ‘dự báo’ gì cả. Ông chỉ đơn giản viết ra một thực tại xã hội đang giao thời mà thôi.

- Cứ đọc những bản tin Mới – Nóng trên các báo hiện nay. Tôi thoáng nghĩ nếu Vũ Trọng Phụng còn sống ở thời này, hẳn ông có thoải mái chất liệu sáng tác?

- Tôi lại không nghĩ vậy. Biết rằng mỗi thời xã hội lại có sự hỗn loạn, lố lăng một kiểu, nhưng sự lố lăng thời Vũ Trọng Phụng đã một đi không trở lại. Đó là sự lố lăng giao thời giữa văn hoá Đông – Tây mà thời đại và lịch sử đã tạo ra. Ngoài yếu tố ‘văn tài’ ra, Vũ Trọng Phụng rất may mắn là gặp thời để tạo ra dấu ấn điển hình, nhân vật điển hình.

Lấy ví dụ Xuân Tóc Đỏ chính là sản phẩm điển hình của đô thị hoá, chắc chắc ta không bao giờ tìm được nhân vật này ở nông thôn. Sự ghi chép tỉ mỉ, chân thực và tinh tế của nhà văn đã tạo ra một nhân vật tiêu biểu cho một loại người.

Tóm lại, Vũ Trọng Phụng vừa tài năng vừa đúng thời.

- Tài năng của ông Phụng thì rõ rồi, nhưng ông ấy “đúng thời” nghĩa là sao?

-Nghĩa là ông được may mắn sống và viết đúng cái “giao thời” ấy. Vũ Trọng Phụng cũng như các nhà văn thế hệ ông là lớp người viết đầu tiên của thời xã hội Việt Nam đô thị hóa theo kiểu Tây, cụ thể là Tây kiểu Pháp.

Sự đụng độ Đông – Tây bị khúc xạ theo chiều hướng cưỡng bức, áp đặt của chủ nghĩa thực dân cho xứ thuộc địa, nô lệ, đã tạo nên cả một “tấn trò đời” bi hài, méo mó, dị dạng diễn ra trước mắt nhà văn. Ngoài viết văn, Vũ Trọng Phụng còn là một nhà báo. Ông quan sát và viết những thực tế đó đăng báo. Nhà văn – nhà báo thời đó được làm đúng công việc là thư ký phản ánh lại hiện thực cuộc sống đang diễn ra.

-Nhưng Vũ Trọng Phụng cũng từng ‘lên bờ xuống ruộng’ sau khi những Làm đĩ, Số đỏ … của ông ra đời. Một dạo văn đàn chẳng từng nổi sóng về ‘Cái dâm”  trong văn Vũ Trọng Phụng’?

-Theo tôi ở đây có hai chuyện: Chuyện kiểm duyệt của chính quyền, và chuyện nhìn nhận của người đời và người đọc. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng viết về mại dâm có phần bị ty kiểm duyệt thời Pháp cắt bỏ chắc là do bị coi viết như thế là bôi xấu chế độ thời đó.

Nhưng còn cái nhìn về nội dung tác phẩm của ông thì lại là do quan điểm đạo đức, tư tưởng. Một thực tế xã hội của đời sống đô thị, nhưng ta lại chỉ nhìn dưới góc độ đạo đức. Và thế là không tìm ra cách quản lý, có khi lại còn vi phạm pháp luật và nhân quyền.

Mại dâm là một sản phẩm của xã hội loài người, là một phần tất yếu của đời sống giống loài, nó tồn tại nhiều nhất và mạnh nhất ở đô thị. Các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng viết về đề tài này chính là đã phản ánh sát thực một thực tế gắn liền với thành thị, ngay khi thành thị mới bắt đầu hình thành đã có.

Ông trình bày thực trạng và cách người ta sống và xử lý thực trạng đó ở thời ông. Đọc các sách của ông viết về mại dâm dưới góc nhìn xã hội thì có thể có  ích cho các nhà quản lý.

Trước đây ta từng cấm đoán, bắt bớ các phụ nữ làm nghề mại dâm, bắt họ vào các trại cải tạo mang cái tên mỹ miều che đậy là “trại phục hồi nhân phẩm”. Một thời gian dài nhân danh đạo đức ta đã làm thế mà không hay như vậy là đã vi phạm nhân quyền. Bởi vì những người phụ nữ chọn làm nghề đó không có tội và không bị kết tội về pháp luật, do đó không thể tước đoạt tự do của họ được.

Luật xử phạt hành chính mới được sửa đổi thông qua gần đây đã thay đổi việc này trên cơ sở nhận thức đúng hiện tượng. Các cô gái làm nghề mại dâm bị giữ cải tạo tại các trại đang bắt đầu được thả ra. Động thái này dù muộn nhưng cũng nói lên một điều, chúng ta phải chấp nhận cái mà cuộc sống có, phải nhìn xã hội như một dòng chảy tự nhiên của con người để biết cách điều hành.

Còn xã hội loài người thì còn mại dâm, cũng như còn có chính quyền trong cách tổ chức xã hội thì còn có tham nhũng. Vấn đề là tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất hai hiện tượng tiêu cực này, chứ triệt tiêu được chúng hoàn toàn, tuyệt đối thì là điều bất khả.

Giống như chuyển động là có ma sát, mọi phát minh kỹ thuật là tìm cách giảm ma sát đến mức thấp nhất, chứ triệt tiêu ma sát là triệt tiêu luôn cả chuyển động.
Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng trên tem bưu chính kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Thiên tài chưa xuất hiện thì đành chịu thôi!

- Gần đây đề tài ‘trai Tây, trai Việt’ và đỉnh điểm là những phát biểu của một cô diễn viên múa được dân tình ưa thích bàn cãi. Có vẻ ‘kỹ nghệ lấy Tây’ là một trào lưu hay một xu thế xã hội ở thời nào cũng hấp dẫn?

- Thì đó cũng chỉ là một phần trong dòng chảy bình thường của đời sống và sự phát triển của nhân loại thôi. Nhưng chính vì một thời chúng ta khắt khe và kỳ thị quá đáng, thậm chí phê phán và cấm đoán với các cuộc hôn nhân dị chủng, nên giờ thời mở cửa ra nó giống như đợt sóng ào vào.  

Khi ta cố tình ngăn trở dòng chảy tự nhiên của cuộc sống, ta cũng cố tình ngăn trở luôn những người trong luồng chảy đó. Nên bây giờ ta nhận rõ là không thể ngăn cản, và phải thay đổi. Sự phản ứng đó có thể hiểu là sự phản ứng vào những nỗ lực còn lại ngăn cản sự trái tự nhiên. Nhất là khi người ta có điều kiện và cơ sở để so sánh, đánh giá.

Vũ Trọng Phụng làm được công việc là nhìn đúng vào bản chất con người, và đúng vào lẽ tự nhiên của cuộc sống.

Không chỉ Kỹ nghệ lấy tây, mà Lục xì, Số đỏ, Làm đĩ… đều như vậy cả.

- Khi dòng chảy cuộc sống được chấp nhận đúng tự nhiên của nó – như ông nói – ta thấy rằng nhân vật và câu chuyện như trong văn Vũ Trọng Phụng giờ có quá nhiều, nhưng thiếu mỗi ‘thư ký’. Câu hỏi là các ‘thư ký’ thời nay đi đâu hết, không thấy Vũ Trọng Phụng nào xuất hiện.

Nhà văn thời nay không phải sống hoàn cảnh ngặt nghèo như Vũ Trọng Phụng, nhưng không sáng tác được vì ít tài, ít trách nhiệm với xã hội, họ ngủ quên hết?

- Trước hết là vì văn tài, mà văn tài là thuộc Trời, không thuộc người. Hiếm hoi lắm mới xuất hiện một người như Vũ Trọng Phụng. Hai nữa là thời nay có vẻ như các nhà văn lười suy nghĩ và lười sáng tạo…Tất cả những điều đó đều đúng. Nhưng theo tôi có một điều quan trọng nhất, đó là Vũ Trọng Phụng đã quá thành công trong việc điển hình hoá, khái quát hóa một kiểu đời sống, một loại người.

Kiểu người như Xuân Tóc Đỏ ta có thể bắt gặp ở bất cứ xó xỉnh nào, thời kỳ nào trong đời sống thành thị và tính cách thị dân. Sự thành công đến mức nhân vật được sử dụng như tính từ, kiểu như Sở Khanh, Kiều, Chí Phèo… và Xuân Tóc Đỏ thì khó có sự sáng tạo tiếp theo nào có thể vượt qua hay thay đổi được. Điều đó cũng khiến các nhà văn thời nay muốn đi theo lối viết của Vũ Trọng Phụng ngại ngần.

Từng đã có một cuốn tiểu thuyết Hậu Chí Phèo, nhưng vậy là vẫn lấy anh Chí của làng Vũ Đại làm mẫu cho thời nay. Khó thế đấy! Người đầu tiên ví cô gái đẹp như hoa hồng là một thiên tài, nhưng người thứ hai lặp lại như thế thì lại là tầm thường, ai đó từng nói.

Người đầu nguồn đã ghi dấu ấn rồi, người đi sau có nỗ lực thế nào cũng rất khó vượt qua được. Hay nói cách khác, thiên tài chưa xuất hiện thì đành chịu thôi! Thiên tài không phải là người không học ai, nhưng là người không ai học được, tôi nhớ mang máng là Goethe nói vậy thì phải.

Tóm lại nghĩa là 100 năm sinh Vũ Trọng Phụng (1912- 1939) ta cúi đầu kính phục ông, và mừng rằng văn học Việt Nam thế kỷ XX đã có ông.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hường (thực hiện)

'Gãy cổ' vì vàng thật, lận đận vì vàng giả
Một tuần "ngập" tin tức liên quan đến vàng: một cô dâu đeo đến 5 kg vàng,cô dâu khác nhận sính lễ vàng rởm, rồi chuyện vàng nhái SJC...
 
'Kẻ Bi thương' cũng khóc!
Chả lẽ, thời đại khác nhau, thì thời đại kia, tham nhũng bị trừng trị, thời đại này, tham nhũng được... nhơn nhơn?
 
Kẻ lừa dối vĩ đại!
Những nhân vật vĩ đại luôn có mặt trái, và thể chế vĩ đại thì dám vạch ra mặt trái của những nhân vật vĩ đại.