Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, trực thăng Mi 171 gặp sự cố đúng vào thời điểm đang lấy độ cao. Do chưa đạt độ cao cần thiết, học viên đã đeo dù cũng không thể nhảy ra ngoài.

Liên quan đến vụ việc máy bay trực thăng Mi 171 rơi làm 21 cán bộ, học viên hi sinh và bị thương trong quá trình huấn luyện nhảy dù, một vấn đề được nhiều người đặt ra là, trong thời điểm nước sôi lửa bỏng tại sao các chiến sĩ không nhảy dù để nhảy thoát nạn.

{keywords}

Hiện trường vụ tai nạn máy bay

Về vấn đề này, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khẳng định, các chiến sĩ đã làm đúng kỹ thuật.

“Phải đạt độ cao nhất định thì mới nhảy dù được, chứ không phải có dù thích nhảy lúc nào cũng được”, Trung tướng khẳng định trên Zing.vn.

Trung tướng Tuấn cho biết thêm, trước khi rơi, máy bay trực thăng Mi 171 mới cất cánh được ít phút và đang trong quá trình vòng lượn để lấy độ cao. Do độ cao chưa đủ nên các chiến sĩ không thể bật dù để thoát hiểm.

Theo một diễn biến khác của vụ việc, công tác giải mã hộp đen máy báy trực thăng Mi 171 đang được cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, trong quá trình máy bay gặp nạn, chiếc hộp đen đã bị trục trặc do va đập, khiến công tác giải mã hộp đen khó tiến hành nhanh.

Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, sáng 7/7, trong quá trình huấn luyện nhảy dù, chiếc trực thăng Mi 171 của Trung đoàn 916 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân) đã gặp nạn tại xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội.

Trên trực thăng có 21 cán bộ, học viên (trong đó có 3 người thuộc thành phần tổ bay và 18 cán bộ, học viên tham gia huấn luyện nhảy dù). Vụ tai nạn đã làm 18 chiến sĩ hy sinh và 3 chiến sĩ bị thương. Những người bị thương được đưa về cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 105 và sau đó được chuyển về Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) cứu chữa.

Lễ truy điệu các chiến sĩ hy sinh trong vụ rơi máy bay trực thăng tại xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội) sẽ được tổ chức vào ngày 11/7 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

L.Lam (tổng hợp)