Đó là quy định của chính quyền thành phố Honolulu, bang Hawaii, Mỹ, với mức phạt lên đến 99 USD đối với những người sử dụng điện thoại hoặc thiết bị di động trong lúc đang sang đường.
Theo đó, “không ai được phép qua đường phố hoặc đường cao tốc trong khi đang nhìn vào thiết bị di động điện tử.” Các thiết bị này bao gồm điện thoại di động cũng như “các thiết bị dùng để nhắn tin, máy nhắn tin, thiết bị kỹ thuật số cá nhân, máy tính xách tay, trò chơi điện tử hay thiết bị chụp ảnh kỹ thuật số”, nhưng không bao gồm các thiết bị âm thanh. Như vậy, những hành động như nhắn tin, đọc sách, lướt facebook khi đi qua đường sẽ bị nghiêm cấm, trong khi việc nói chuyện điện thoại lại được phép. Những trường hợp sử dụng thiết bị vì lý do khẩn cấp cũng sẽ không bị phạt tiền.
Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với án phạt của cảnh sát, với số tiền phạt là 35 USD cho lần đầu vi phạm, 75 USD cho lần thứ 2 và 99 USD kể từ lần thứ 3 trở đi. Chính quyền thành phố hy vọng mức phạt nặng này sẽ giúp người dân từ bỏ được thói quen dán mắt vào màn hình điện thoại khi tham gia giao thông.
Dự luật đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 25/10/2017, sau khi được giới chức thành phố Honolulu thông qua hồi tháng 7. Ông Brandon Elefante, uỷ viên hội đồng thành phố, người đề xuất dự luật này cho biết: “Đây thực sự là một dấu mốc quan trọng về mặt pháp luật, góp phần nâng cao mức độ an toàn cho người dân.”
Những thương tích gây ra bởi việc người đi bộ phân tâm khi di chuyển trên đường đang ngày càng gia tăng tại Mỹ, làm dấy lên nhiều lo ngại. Theo tạp chí Nghiên cứu An toàn, trong giai đoạn 2002-2007, trung bình mỗi bang tại Mỹ có khoảng 400 khách bộ hành bị thương mỗi năm vì sử dụng điện thoại di động khi đi dường. Tuy nhiên, kể từ sau khi chiếc iPhone đầu tiên được ra mắt năm 2007, con số này đã tăng lên gấp 3 (1.300 trường hợp), và buộc Hội đồng an toàn quốc gia Mỹ phải liệt rủi ro vào danh sách thường niên các rủi ro gây thương tích để cảnh báo người dân. Một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí Plos One lại chỉ ra rằng việc nhắn tin trong lúc đi bộ khiến mọi người có xu hướng bước đi thận trọng hơn và do đó, tiêu tốn nhiều thời gian hơn.
Hồi năm 2016, bang New Jersey từng đề xuất xử phạt với số tiền lên đến 50 USD hoặc tạm giam 15 ngày đối với những trường hợp mất tập trung khi đi bộ trên đường. Tuy nhiên, Honolulu là thành phố đầu tiên trên thế giới áp dụng luật pháp để bảo vệ người dân khỏi những rủi ro không đáng có này.
Một số thành phố khác cũng đã thử áp dụng một số điều chỉnh để thay đổi hành vi của người đi bộ. Tại Brick Lane, London, các cột đèn độn bông đã được lắp đặt để những người đi bộ đâm vào cột đèn khi đang nhắn tin không bị thương. Năm ngoái, thành phố Augsburg, Đức thậm chí còn gắn các tín hiệu giao thông xuống mặt đất ở gần các tuyến xe điện. Một vài nhà sản xuất điện thoại thông minh và ứng dụng cũng đã thử thiết kế các hệ thống sử dụng camera của thiết bị để hiện hình ảnh đường phố phía trước ngay trên màn hình nền của cuộc trò chuyện.
(Theo Guardian/ Reuters/ Dân trí)