Được biết đến là vựa trái cây lớn nhất cả nước, với hàng chục loại trái cây đặc sản thơm ngon nổi tiếng, nhưng cây trái của các tỉnh vùng ĐBSCL đang chịu cảnh “lép vế” so với trái cây ngoại, trong đó có trái cây Thái Lan.
Nhiều ý kiến từ ngành chức năng và các chuyên gia cho rằng, để cải thiện tình hình này không có cách nào khác là nông dân cần tự nâng chất lượng sản phẩm của mình.
Chất lượng trái cây không đồng đều
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài sự xuất hiện của một số loại trái cây có nguồn gốc từ Thái Lan, ở nhiều chợ trong khu vực ĐBSCL cũng đang tràn ngập các loại quả nhập khẩu như táo, lê, quýt Trung Quốc, nho Mỹ, nho Úc, cam Úc… Nghịch lý này khiến nông dân trong khu vực lo lắng khi tại đây thường xuyên xảy ra tình trạng trái cây các loại dư thừa vào mùa thu hoạch rộ.
Tại một hội thảo về trái cây tại ĐBSCL, PGS - TS Nguyễn Minh Châu - nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam phân tích, ĐBSCL tuy là vựa trái cây lớn nhất cả nước nhưng trái cây chưa có số lượng lớn và đồng đều về chất lượng, hình thức, mà nguyên nhân là do thiếu sự liên kết trong sản xuất. Điều này khiến người nông dân luôn chịu thiệt về giá cả. Ngoài ra, hạn chế lớn của việc sản xuất trái cây tại đây là vẫn chưa có nhiều vùng chuyên canh sản xuất gắn với tiêu thụ; hình thức liên kết 4 nhà ở các địa phương còn ít và nếu có thì các mối liên kết cũng rất yếu. Tỷ lệ nông dân áp dụng thành công các tiêu chuẩn như GlobalGAP, VietGAP trong sản xuất trái cây còn thấp, phân tán, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, số lượng ít, mẫu mã chưa đảm bảo nhu cầu của thị trường.
Trái cây nội cần nâng chất lượng và hình thức để tăng tính cạnh tranh - Nông dân thu hoạch đặc sản khóm Cầu Đúc (Hậu Giang). |
“Nhiều chuyên gia nước ngoài khen xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, khóm Cầu Đúc… của mình, tuy nhiên do diện tích sản xuất nhỏ lẻ nên các doanh nghiệp xuất khẩu và thương lái không mặn mà liên kết với nông dân để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác tiếp thị sản phẩm chưa đủ mạnh nên việc đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm này rất khó khăn” - PGS - TS Nguyễn Minh Châu nhấn mạnh.
Thua kém vì tự đánh thấp mình?
Nói về vấn đề trái cây nội địa đang chịu sự cạnh tranh “khốc liệt” của trái cây nhập khẩu, lão nông Lê Văn Hoa (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) - người được xem là “vua” bưởi da xanh Bến Tre cho rằng: Người tiêu dùng ưa chuộng trái cây ngoại hơn trái cây nội, nhất là khi mua biếu tặng là điều dễ hiểu, do trái cây nội thua kém trái cây ngoại về hình thức, nhất là không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ.
Cũng theo ông Hoa, trái cây Việt có chất lượng không thua kém hàng ngoại, nhưng chính chúng ta đã tự hạ chất lượng của mình. Trong canh tác hiện nay, đa số nông dân dựa theo kinh nghiệm, mạnh ai nấy làm, cuối cùng tạo ra sản phẩm với mẫu mã, hình thức xấu thì làm gì có ai thích mua.
“Điều cần nhất là tổ chức cho nông dân sản xuất theo quy trình chuẩn. Từ đó mới có cơ sở xây dựng thương hiệu, tự nâng giá trị sản phẩm của mình lên, bỏ hẳn lối canh tác chỉ để bán đổ đống. Có như vậy mới tạo ra tâm lý yên tâm cho khách hàng khi sử dụng trái cây nội” - ông Hoa bày tỏ.
Trong khi đó, nhiều nông dân trong khu vực ĐBSCL cũng cho rằng, hiện nay một số sản phẩm trái cây của ta sản xuất bị dư thừa, chưa có công nghệ sau thu hoạch, bảo quản chưa được lâu. Điều này khiến sản phẩm khó cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập.
Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Vui - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Kiên (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), cho biết: “Để tăng khả năng tiêu thụ trên thị trường thì cần hướng đến bảo quản tốt sau thu hoạch. Hiện hợp tác xã sắp tiêu thụ sản phẩm mãng cầu gai vào siêu thị, cạnh tranh với các loại trái cây ngoại một cách công bằng. Khi đã được chứng nhận về chất lượng thì khả năng tiêu thụ và canh tranh của sản phẩm do nông dân làm ra chắc chắn sẽ tốt hơn trước”.
Ông Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, nhìn nhận: “Hiện nay các sản phẩm trái cây tại địa phương rất đa dạng và chất lượng không hề thua kém trái cây ngoại. Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thì ngành chức năng cần giúp đỡ nông dân trong sản xuất, nâng chất lượng và tiếp thị tiêu thụ sản phẩm”.
“Ngoài ra, bản thân người nông dân cần ý thức sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, không nên chạy theo số lượng. Muốn tiêu thụ tốt thì rất cần thương hiệu, muốn có thương hiệu thì phải có sản phẩm đảm bảo chất lượng, và chính nông dân mới là người làm được điều này” - ông Vân nhấn mạnh.
Theo thống kê, ĐBSCL có khoảng 288.000ha cây ăn trái các loại, sản lượng mỗi năm gần 4 triệu tấn (chiếm 60% lượng trái cây của cả nước) phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. |
(Theo Dân Việt)