Trang thương mại điện tử Vui Vui (vuivui.com) của Thế Giới Di Động vừa chính thức đóng cửa, khách hàng khi truy cập vào sẽ tự động chuyển sang trang bán hàng của Bách hoá Xanh (bachhoaxanh.com).
Dòng thông báo trên trang vuivui.com - Ảnh chụp màn hình |
Trên trang vuivui.com, một dòng thông báo cho biết trang này đã đóng cửa từ 27/11, sẽ tự động chuyển sang Bách hoá Xanh.
Trước khi đóng cửa chính thức, Vui Vui đã đóng nhiều ngành hàng, chỉ tập trung bán hàng hoá tiêu dùng (FMCG). Đây có lẽ là bước chuyển để Vui Vui chuyển sang Bách hoá Xanh, một nhánh kinh doanh mới được xem là động lực tăng trưởng vài năm tới của tập đoàn Thế Giới Di Động.
Việc tồn tại cả Vui Vui lẫn Bách hoá Xanh, Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh đã khiến vài nhà phân tích đặt vấn đề, vì tất cả các nhánh này của Thế Giới Di Động đều có website riêng, do đó dễ hoạt động trùng lắp.
Thực tế, khi đặt hàng trên Vui Vui, các món hàng công nghệ sẽ do Bách hoá Xanh và Thế Giới Di Động giao.
Vài ngày gần đây, dù chuyển sang Bách hoá Xanh nhưng khách mua hàng vẫn được nhân viên mặc đồng phục Vui Vui giao, giỏ hàng cũng có logo Vui Vui.
Trong bối cảnh thị trường công nghệ thông tin tăng trưởng chậm lại, Thế Giới Di Động đang tập trung lực để phát triển Bách hoá Xanh - nguồn tạo doanh thu chính trong thời gian tới. Bên cạnh đó vẫn phải duy trì tăng trưởng cho hai chuỗi di động và điện máy, do đó có lẽ Vui Vui cần được đóng lại, ít nhất trong giai đoạn này.
Mặc dù đóng cửa Vui Vui nhưng Thế Giới Di Động vẫn là doanh nghiệp lớn trong hoạt động thương mại điện tử. Website thegioididong.com là trang web bán hàng online từ rất sớm, giai đoạn 2015 còn là trang có doanh thu cao nhất Việt Nam, bất kể lúc đó Lazada đã có mặt.
Vuivui.com ra mắt vào tháng 1/2018, là trang thương mại điện tử đa ngành của Thế Giới Di Động. Ông Nguyễn Đức Tài, đồng sáng lập và chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, khi đó cho biết vuivui.com là một công ty khởi nghiệp, và cho biết Vuivui sẽ vượt Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh trong 5-7 năm nữa kể từ thời điểm ra mắt, có lúc ông cho biết thời điểm vượt có thể trong 3-5 năm tới từ thời điểm đó.
Sản phẩm khởi nghiệp này sinh ra trong bối cảnh ngành bán hàng qua mạng cạnh tranh khốc liệt, hàng loạt tên tuổi lớn đã ra đi, chỉ còn trụ lại những doanh nghiệp lớn có sự giúp sức của dòng vốn nước ngoài. Nổi bật trong số đó có Lazada (hậu thuẫn bởi ông trùm thương mại điện tử Alibaba), hay Tiki (có sự hỗ trợ của VNG, JD.com), hoặc Adayroi (của Vingroup), Sendo (của FPT và mới được rót 51 triệu USD từ vốn ngoại).