Vùng Cảnh sát biển 1 được giao nhiệm vụ quản lý, thực thi pháp luật trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, có chiều dài bờ biển trên 700km với 9 tỉnh, thành phố ven biển từ cửa sông Bắc Luân (tỉnh Quảng Ninh) đến đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị).
Hơn 3 năm qua (2020 - 2023), Vùng đã tổ chức 52 lượt chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trên địa bàn 46 huyện của các tỉnh, thành phố ven biển, với hơn 10 nghìn lượt người tham gia; phát trên 90 nghìn tờ rơi, 16 nghìn cuốn sách tuyên truyền pháp luật, tặng hơn 14 nghìn cờ Tổ quốc… cho ngư dân.
Bên cạnh đó, Vùng kết hợp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển với tuyên truyền phổ biến pháp luật về chống khai thác IUU cho hàng nghìn lượt tàu cá của ngư dân Việt Nam. Đồng thời, theo dõi hệ thống giám sát hành trình, phát hiện và kịp thời tuyên truyền, kêu gọi hơn 4.000 tàu cá Việt Nam vượt ranh giới sang phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ quay về vùng biển Việt Nam.
Thiếu tướng Trần Văn Thơ, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng tàu cá của ngư dân nước ta khai thác thuỷ sản vi phạm vùng biển nước ngoài và ngược lại, ngư dân nước ngoài cũng vi phạm vùng biển của Việt Nam, nhất là dịp cuối năm.
Trước thực trạng đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn khai thác IUU trên vùng biển quản lý, góp phần gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, trọng tâm là Công điện số 1058/CĐ-TTg, ngày 04/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 102/CT-BQP, ngày 13/12/2023 của Bộ Quốc phòng và Kế hoạch số 14359/KH-BCĐ, ngày 21/12/2023 của Ban Chỉ đạo phòng chống khai thác IUU Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về khai thác thủy sản; các chế tài xử lý hành vi vi phạm khai thác IUU. Trong đó chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, như chú trọng tập trung tuyên truyền trực tiếp đến các đối tượng là chủ tàu, thuyền trưởng, nhất là các tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; yêu cầu ký cam kết không vi phạm; tuyên truyền bằng hình thức “sân khấu hóa” trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông của địa phương; tổ chức các tổ, đội tuyên truyền trực tiếp tại tàu cá đang neo đậu tại các âu tàu, cảng cá các địa phương; các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền cho tàu cá, ngư dân đang hoạt động trên biển.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn vi phạm khai thác IUU. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Vùng tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường lực lượng trinh sát nắm tin tức, tình hình tàu cá vi phạm khai thác IUU; làm tốt công tác điều tra cơ bản, tập trung vào địa bàn trọng điểm, đối tượng có nguy cơ vi phạm cao, tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu thuyền sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép,… làm cơ sở tham mưu, đề xuất, triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.
Tiếp đó sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống khai thác IUU.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, nhất là lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ven biển để kịp thời trao đổi thông tin, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, thường xuyên phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng, cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát tàu cá hoạt động trong khu vực; chú trọng phát hiện các tàu cá lâu ngày không về địa phương, tàu cá có hành vi khai thác IUU.