Vùng đô thị thông minh là gì?

Vùng đô thị là một trung tâm đông dân số bao gồm một đại đô thị và các vùng phụ cận nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đô thị này, hay nói cách khác là vùng gồm có hơn một thành phố trung tâm gần sát nhau và vùng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của các thành phố trung tâm này.

Thúc đẩy liên kết phát triển vùng đô thị là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai. Về mặt không gian địa lý, liên kết vùng là phát triển mối quan hệ giữa không gian kinh tế với không gian tự nhiên, sinh thái, xã hội và không gian chính sách, thể chế.

Liên kết vùng đô thị tạo ra lợi thế cạnh tranh động cho vùng, quốc gia, là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Những khu vực tiếp giáp với nhau có liên quan và bổ trợ lẫn nhau trong một lĩnh vực nào đó; sự liên kết giúp việc quản lý dễ dàng và thống nhất hơn. Các bộ phận trong liên kết vùng có thể dễ dàng hỗ trợ để đạt được mục tiêu chung hơn so với với tập trung vào một cá thể duy nhất.

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng, Nhật Bản là một trong những quốc gia tiên phong trong sáng kiến xây dựng mô hình đô thị sinh thái theo hướng giãn mật độ dân số khu trung tâm, hình thành cụm dân cư bền vững về tiêu thụ năng lượng, không gian xanh và giảm tác động đến môi trường. Đó là mục tiêu của vùng đô thị thông minh.

Dự án đô thị sinh thái thông minh Fujisawa tỉnh Kanagawa do tập đoàn Panasonic và một số công ty khác xây dựng, được đặt trên vị trí nhà máy cũ của tập đoàn công nghệ này, có 1.000 nhà ở và hệ thống hạ tầng dịch vụ tiện ích gồm cửa hàng, bệnh viện, nhà dưỡng lão, không gian công viên cây xanh...

Mỗi căn nhà trong đô thị trang bị những thiết bị thông minh nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả. Cụ thể, đô thị cắt giảm được 70% lượng phát thải carbon và 30% lượng cấp nước; hệ thống cung cấp năng lượng mặt trời sẽ đáp ứng 70% nhu cầu sử dụng điện của mỗi hộ gia đình.

{keywords}
Vùng đô thị là một trung tâm đông dân số bao gồm một đại đô thị và các vùng phụ cận nằm trong phạm vi ảnh hưởng (ảnh minh họa).

Bắt đầu đặt kế hoạch vùng đô thị thông minh ở Việt Nam

Vùng đô thị Việt Nam hiện nay được xác định bởi quy hoạch xây dựng vùng lãnh thổ. Có 2 vùng đô thị lớn là Vùng Thủ đô Hà Nội, được quy hoạch vào loại vùng đô thị cực lớn, và Vùng TP.HCM. Vùng Thủ đô Hà Nội gồm thành phố Hà Nội là hạt nhân và 9 tỉnh là Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình.

Trong khi đó, Vùng TP.HCM gồm 8 đơn vị cấp tỉnh: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, TP.HCM được xác định là đô thị trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với 4 cực phát triển và 15 đô thị vệ tinh.

Việc phát triển vùng đô thị thông minh cũng bắt đầu được nhắc đến. Mới đây UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Quyết định số 1652, “Phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó thể hiện định hướng liên kết vùng.

Theo đó với tầm nhìn đến 2030, thành phố Cần Thơ đặt mục tiêu trở thành một thành phố thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc qua, khu vực và quốc tế.

Tương tự, Nghị quyết số 07 về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được ban hành. Theo mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Anh Hào

Bộ Xây dựng được giao quy hoạch đô thị thông minh

Bộ Xây dựng được giao quy hoạch đô thị thông minh

Thủ tướng vừa giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển đô thị thông minh theo đề án giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.