Là tỉnh phát triển năng động bậc nhất Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm qua, Bình Dương liên tiếp gặt hái nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, có những tiêu chí đã tăng trưởng đột biến như về hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất siêu…
Bình Dương đã trở thành một vùng công nghiệp lớn tại Việt Nam với 29 khu công nghiệp, tương đương 12.734 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt hơn 83,4%. Thu nhập bình quân đầu người tính đến tháng 10/2022 đạt 170 triệu đồng/người/năm.
Cơ sở hạ tầng của Bình Dương được hoàn thiện với chất lượng cao. Các khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, đan xen với những khu đô thị cao cấp phục vụ các chuyên gia và những khu nhà ở xã hội phục vụ những người có thu nhập thấp.
Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình phát triển của thế giới về vùng đổi mới sáng tạo, Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương (Binh Duong Innovation Region) là một mô hình hoàn toàn mới, phù hợp với thực tiễn của Bình Dương.
Đề án này được tỉnh Bình Dương giao cho Tổng công ty Becamex IDC chủ trì nghiên cứu cùng các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch phát triển thành phố thông minh trên thế giới, áp dụng vào thực tiễn địa phương.
Đây là đề án đột phá tích hợp gồm TP Thủ Dầu Một là đô thị năng động sáng tạo với 2 phường Phú Tân, Hòa Phú là khu đô thị trung tâm; Khu công nghiệp Khoa học công nghệ Bàu Bàng; giao thông công cộng, logistics…
Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững; giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới…
Đích đến cuối cùng là sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế.
Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương là thành quả bước đầu của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương (Bình Dương Navigator 21); là sự lan tỏa của Vùng kinh tế thông minh Bình Dương và được mở rộng đa hướng, qua đó định vị lại vai trò phát triển từng vùng cụ thể trên địa bàn tỉnh...
Từ chiến lược Thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương đã từng bước hợp tác, thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu trong khoa học công nghệ như tập đoàn Schneider, Philips, Bosch, NXP, Intel, TMA…, các viện trường trong nước và quốc tế danh tiếng cùng xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, đào tạo quy mô.
Đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo năm 2030
Sau 25 năm phát triển, đến nay Bình Dương có 1 đô thị loại I (thành phố Thủ Dầu Một), 4 đô thị loại III (Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên) và 5 đô thị loại V thuộc huyện (gồm thị trấn: Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành, Tân Bình).
Mặc dù có tỷ lệ đô thị hóa khá cao đạt trên 82% nhưng Bình Dương vẫn đặt mục tiêu quản lý quá trình đô thị theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng đô thị. Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo.
Bình Dương đang tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này có tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược và nguyên tắc phát triển bền vững. Bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn. Pđịnh rõ các vùng trong nội dung quy hoạch đô thị và áp dụng các công cụ kiểm soát phát triển theo quy hoạch và kế hoạch, gắn quy hoạch đô thị với nguồn lực thực hiện.
Trong đó, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn để xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững (đô thị thông minh, đô thị sinh thái…) phù hợp với điều kiện từng đô thị thuộc tỉnh Bình Dương. Tỉnh sẽ đầu tư phát triển các chương trình xây dựng đô thị đạt các tiêu chuẩn phòng, chống thiên tai, cháy, nổ, sự cố môi trường, dịch bệnh, bảo vệ môi trường…
Để đưa Bình Dương thành vùng đất có thu nhập cao, khoa học kỹ thuật phát triển, là điểm đến cho các hoạt động giao thương, thương mại và dịch vụ toàn cầu, là mảnh đất cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát minh còn cả một chặng đường dài phía trước. Tuy nhiên, theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước xây dựng và kết nối các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng vào thực tiễn. Đây là nền tảng tiên quyết, tạo tiềm lực để đột phá, chìa khóa thu hút đầu tư trong tương lai.
Hải Lý