Nội dung này được ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đưa ra trong tọa đàm Liên kết phát triển Tiểu vùng Nam Trung bộ trong bối cảnh mới, do Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39 phối hợp Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức, ngày 24/6.

Mỗi tỉnh một kiểu, chưa phát huy thế mạnh của vùng

Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận là bốn tỉnh nằm trong Tiểu vùng Nam Trung Bộ, có tổng diện tích đất liền 21.400 km, dân số hơn 4 triệu người. Hạ tầng giao thông của các địa phương này được đánh giá là thuận lợi, khi có hai sân bay ở Tuy Hòa (Phú Yên), Cam Ranh (Khánh Hòa); nhiều cảng, đường sắt, đường bộ Bắc-Nam đi qua, gần với TP HCM và là cửa ngõ của Tây Nguyên ra Biển Đông. 

Những tỉnh này có điều kiện phát triển các Khu kinh tế biển như Vân Phong, Nam Phú Yên, gắn với phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu, công nghiệp chế biến nông - thuỷ sản, thực phẩm…, phát triển khai thác hải sản xa bờ… Bốn địa phương đều có biển, thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa dân tộc… gắn với phát triển đô thị ven biển.

Tọa đàm Liên kết phát triển Tiểu vùng Nam Trung bộ trong bối cảnh mới diễn ra tại Khánh Hòa.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, với những lợi thế sẵn có, song các địa phương trên chưa liên kết tốt với nhau thành một hệ thống thống nhất. Việc huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị còn hạn chế. Tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhất là cảng biển.

Quá trình phát triển đã xuất hiện tình trạng “xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi tích tiểu vùng, toàn vùng. Liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động, và thiếu vai trò nhạc trưởng định hướng, điều phối vùng, liên kết vùng”.  Dẫn tới, các tỉnh chưa khai thác, phát huy lợi thế, quy mô nhiều ngành, lĩnh vực vốn có.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh) nhận định, lâu nay việc liên liên kết tiểu vùng, vùng chưa hiệu quả. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, thì việc lựa chọn lĩnh vực nào ưu tiên để phát huy được lợi thế, thế mạnh và sự cộng hưởng của các vùng là nhiệm vụ quan trọng, ngoài ra cũng cần có vai trò của người đứng đầu.

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại tọa đàm.

Còn TS Phan Thị Song Thương (Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ) đánh giá, 4 địa phương trong tiểu vùng này đều có đặc điểm, lợi thế, điều kiện phát triển khá tương đồng, nên tạo ra liên kết vùng rất quan trọng. 

Theo đó, các địa phương cần phối hợp cùng nhau đẩy mạnh phát triển những ngành, lĩnh vực mũi nhọn mang tính vùng, tiểu vùng,  như cảng biển, cảng hàng không. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư và tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương trong tiểu vùng. Chẳng hạn, các địa phương ngồi lại bàn bạc cùng nhau để xem vùng mình có thế mạnh, lợi thế nào nhiều nhất, rồi từ đó có chương trình liên kết, hợp tác để cùng phát triển.

Đề xuất thành lập Hội đồng vùng

Tọa đàm lần này với các tham luận của các bộ, ngành cùng Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng lãnh đạo bốn tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận nhằm chia sẻ các ý kiến tìm giải pháp, đề xuất cơ chế đặc thù phát triển Tiểu vùng Nam Trung Bộ.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất cơ chế cho liên kết vùng.

Tham dự tọa đàm, lãnh đạo các địa phương đều nhìn nhận thời gian qua việc liên kết vùng còn rời rạc. Mỗi tỉnh tập trung riêng cho địa phương của mình, chưa có sự thống nhất. “Tôi đồng tình với ý kiến các tỉnh khác việc liên kết vùng còn nhiều hạn chế. Liên kết giữa các địa phương chưa có gắn kết, chỉ là phong trào vì thiếu nhạc trưởng, nên không mang lại hiểu quả cao” ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND Khánh Hòa nói.

Người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất, khi liên kết vùng cần có Hội đồng vùng làm đầu mối để triển khai các chính sách phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, Chính phủ cử một thành viên tham gia trực tiếp theo dõi, chỉ đạo phối hợp với các bộ ngành. Cùng với đó, các hoạt động trong liên kết vùng cần giao cho Ban cán sự Đảng có đủ thẩm quyền để điều phối, tập trung hoạch định phát triển kinh tế của các thành viên trong vùng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, nhìn nhận các địa phương đã chủ động, xác định được tiềm năng, lợi thế để liên kết phối hợp để hình thành liên kết vùng, tiểu vùng tạo nên sức mạnh tổng hợp. Dẫn chứng là các tỉnh đã liên kết tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư liên vùng, ít tổ chức riêng lẻ như trước đây. Hay, việc liên kết vùng đầu tư giao thông, thủy lợi của các địa phương đạt kết quả cao và đã có sự chia sẻ trong việc góp ý chính sách, quy hoạch vùng, kinh nghiệm xử lý quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thứ trưởng Đông cũng nhấn mạnh, các tỉnh trong tiểu vùng Nam Trung Bộ cần xác định tiềm năng, lợi thế của mình để liên kết phát triển, hài hòa, không cạnh tranh lẫn nhau. Tuy nhiên, cũng cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù cho những ngành đó, và có cả những điều phối hoạt động, phân bổ nguồn lực hợp lý, như nguồn lực cả về ngân sách và ngoài ngân sách để phát triển.

Thứ trưởng Đông cũng đưa ra giải pháp là cần lập một quy hoạch vùng là trung tâm để điều tiết liên kết vùng, đồng thời kiện toàn bộ máy chức năng thẩm quyền theo hướng Hội đồng vùng như Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu trong tọa đàm.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện có 14 tỉnh thành, có quá nhiều địa phương, trải dài trên một diện tích lớn. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có kiến nghị Chính phủ xem xét, chia lại thành bảy vùng kinh tế. Còn hiện nay Chính phủ vẫn quyết định đến năm 2030 sẽ tiếp tục duy trì sáu vùng kinh tế trọng điểm”, ông Đông nói.

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong các nội dung, điều quan trọng trong liên kết vùng là hành lang pháp lý và công tác tổ chức, cơ chế liên kết. Ngoài ra, quá trình liên kết vùng giữa các địa phương vẫn còn thiếu cơ chế phân cấp quản lý quy hoạch, và còn đang dừng lại ở cam kết, mang tính tự nguyện, thỏa thuận của lãnh đạo địa phương. 

Xuân Ngọc

Phát triển bền vững: Vượt qua biến động, bắt kịp tương lai

Sau những biến động do suy thoái môi trường, đại dịch Covid-19, các DN nhận ra phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm sẽ là hệ giá trị mới giúp DN vượt qua biến động, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thương hiệu.