Kết quả 18 năm thực hiện Nghị quyết

Ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010. Sau đó, ngày 2/8/2012, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Mục tiêu của Nghị quyết 39-NQ/TW là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sớm tiến kịp các vùng khác trong cả nước và trở thành một đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác quốc tế’ cả thiện căn bản đời sống vật chấ, văn hóa, tinh thần của nhân dân trong vùng; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai…

Khánh Hòa là địa phương có nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế.

Phấn đấu thời kỳ từ 2001-2010 đạt mức tăng tổng sản phẩm bình quân hàng năm (GDP) của vùng khoảng 8-9%. Đến năm 2010, GDP bình quân đầu người bằng 2,2 lần so với năm 2000; tỷ trọng kinh tế các khu vực I, II, III là 28-34%; tỉ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 50%

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW, nhiều văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết. 

Trong những năm gần đây, vùng Duyên hải Trung Bộ được đánh giá là một trong những vùng có tốc độ thu hút đầu tư phát triển nhanh. Hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước được các địa phương rất quan tâm triển khai thực hiện. Các kết quả thu hút đầu tư ở vùng bước đầu cũng cho thấy có sự liên kết, phân bổ lĩnh vực thu hút đầu tư phù hợp với đặc thù và lợi thế của từng địa phương. 

Tuy nhiên, quy mô và tốc độ thu hút vốn đầu tư phát triển giữa các địa phương trong Tiểu vùng cũng có sự cách biệt. 

Về vốn đầu tư thực hiện, tính đến năm 2021, tổng vốn đầu tư vùng Duyên hải Trung Bộ đạt hơn 138,7 nghìn tỷ đồng, tăng 63 nghìn tỷ đồng so với năm 2017. Trong đó, Ninh Thuận là địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về thu hút đầu tư, bình quân đạt 41,8%/năm giai đoạn 2017-2021. Tỷ trọng vốn đầu tư của tỉnh Ninh Thuận trong tổng vốn đầu tư của Tiểu vùng tăng từ 8,42% năm 2017 lên 18,65% năm 2021. Trong vùng chỉ có Phú Yên là có quy mô vốn đầu tư thấp nhất với 18,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,62% của vùng.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến thời điểm tháng 5/2022 toàn vùng có 383 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD. So với năm 2015 thì số dự án tăng lên là 85 và tổng vốn đăng ký tăng 403 triệu USD. Các địa phương Khánh Hòa, Ninh Thuận là hai địa phương có quy mô vốn đăng ký tăng khá nhanh trong thời gian qua.

Tăng tính liên kết vùng

Trên thực tế, giữa các tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ chưa tồn tại cơ chế liên kết phát triển mà mới có một số hội thảo về chủ đề này nhưng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định.

Lĩnh vực liên kết phát triển du lịch, chẳng hạn Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia” tại Phan Thiết tỉnh Bình Thuận ngày 12/9/2015; Hội thảo về “Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ” tháng 2/2016 ở Nghệ An....

Cũng giống như các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, liên kết phát triển của các tỉnh thuộc tiểu vùng Nam Trung Bộ trong quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ thời kỳ 2005-2021 cũng chưa đạt được thành tựu đáng kể.

Hoạt động liên kết mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và một số lĩnh vực như du lịch, hạ tầng giao thông; giữa vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ chưa có nhiều hoạt động. Việc chạy theo các lợi ích phát triển kinh tế giữa các địa phương đã làm cho liên kết vùng bị suy giảm, đây là những nguyên nhân chủ quan. Các địa phương đều đặt mục tiêu trở thành trung tâm, động lực phát triển, đều lấy kinh tế biển làm định hướng phát triển. Các địa phương trong Tiểu vùng đều đẩy mạnh phát triển du lịch biển, phát triển cảng biển, phát triển các ngành công nghiệp ven biển v.v…. 

Điều này sẽ làm phá vỡ đi sự phân bố sản xuất kinh doanh để tạo ra chuỗi liên kết phát triển. Trên tổng thể, hoạt động liên kết phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói chung và tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng mới chỉ bắt đầu và chưa tạo ra lực hút liên kết. 

Mặt khác, về nguyên nhân khách quan là chưa có một chủ thể đứng ra tổ chức và thực hiện liên kết và do đó chưa thể có được cơ chế liên kết phát triển hiệu quả; thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư; thiếu phối hợp giữa thẩm quyền quy hoạch và đầu tư; thiếu sự liên kết trong quy hoạch giữa các tỉnh trong tiểu vùng và toàn thể vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. 

TS. Trần Du Lịch cho rằng: Cho dù liên kết phát triển giữa các tiểu vùng, vùng đang là nhu cầu thực tiễn, bức thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong bối cảnh mới nhưng thực tiễn hiện nay nếu không có những cơ chế điều phối đột phá từ Trung ương thì tồn tại này vẫn khó có thể khắc phục được trong thời gian tới. 

Nhằm đánh giá kết quả liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong thời gian qua; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; đề xuất các quan điểm, giải pháp, cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực (tài chính, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực…) để thúc đẩy liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trong bối cảnh mới, ngày 24/6/2022, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Tọa đàm: "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới". Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW chủ trì Tọa đàm. 

H.Nam

Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình nhiều Đề án quan trọng trong năm 2022

Ngày 13-01-2022, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.