Những phụ nữ bụng mang dạ chửa khăn gói rời nhà vượt hàng chục cây số từ đảo Lý Sơn vào đất liền để… sinh con.
Chiều cuối tuần, khách sạn 502 nằm trong một con hẻm đường Hùng Vương - TP Quảng Ngãi tấp nập người ra vào. Có một điều đặc biệt khác với nhiều khách sạn khác là những người ra vào nơi đây chủ yếu là những phụ nữ có bầu sắp đến ngày sinh. Nhìn khuôn mặt rám nắng và giọng nói “đặc trưng” sẽ không khó để nhiều người nhận ra những phụ nữ ấy đến từ huyện đảo Lý Sơn.
Khách sạn của những bà bầu
Đối với những người dân sống xung quanh khách sạn trên, họ quen gọi nơi đây
là khách sạn của những bà bầu Lý Sơn. Gọi là khách sạn cho “sang” chứ thật ra
nơi đây chẳng khác nào một khu nhà trọ dành cho công nhân ở các khu công
nghiệp.
Nhiều phụ nữ ở đảo Lý Sơn vượt biển vào đất liền chờ ngày sinh nở
Phòng số 6 khách sạn 502 chỉ rộng chừng 15 m2 nhưng có đến 3 chiếc giường được kê sát nhau. Dưới sàn nhà lỉnh kỉnh những túi xách đủ kiểu đã cũ. Giá mỗi phòng như vậy cho 2 người thuê một ngày là 140.000 đồng. Nếu tăng thêm một người thì đóng thêm 10.000 đồng. Căn phòng này là nơi trọ của 6 người đang mang bầu ở Lý Sơn vào chờ ngày sinh nở. Vì ai cũng khó khăn nên họ cùng thuê một phòng để tiết kiệm chi phí.
Chị Phạm Thị Lành (22 tuổi, ngụ xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) tâm sự: “Tụi em vào đây chờ tới ngày đến bệnh viện sinh chứ ở ngoài đảo mùa này biển động, có chuyện gì sẽ không xoay xở kịp... Các chị cho biết ở Lý Sơn cũng có bệnh viện nhưng thiếu thốn nhiều thứ, từ thuốc men cho đến y, bác sĩ. Nếu đến ngày sinh mà biển động phải thuê tàu vào đất liền tốn ít nhất 20 triệu đồng. Đó là chưa kể gặp lúc biển động mạnh, chủ tàu sẽ không chịu chạy.
Bà Phùng Thị Thủy, chủ khách sạn 502, cho biết lúc nào cũng có 4 phòng cho các phụ nữ mang bầu Lý Sơn ở với khoảng 10 người. Người ở lâu nhất đến vài tháng, người ở ít nhất cũng 1 tháng… cứ hết đợt này đi tới đợt khác đến. Có trường hợp có người thân như mẹ đẻ hoặc chồng… dẫn vào sinh nhưng cũng có người chỉ đi một mình. Sau đó, gần sát đến ngày sinh sẽ có người nhà vào chăm sóc…
Thương nhau như chị em
Trong suốt cuộc trò chuyện cùng các chị, chúng tôi cảm nhận được sự đối đãi chân thành của các chị với nhau. Dù không phải là chị em ruột thịt nhưng họ chăm sóc nhau rất thâm tình.
Chị Dương Thị Kim Anh (34 tuổi, ngụ xã An Hải) cho biết: “Chị em của chúng tôi ở ngoài đó chủ yếu trồng hành, tỏi. Có người chồng đi biển hàng tháng trời mới về nên không thể vào đây chăm sóc được. Do đó, tụi tôi phải tự chăm sóc lẫn nhau. Cũng có trường hợp vào sinh nhưng hết tiền trả viện phí, chị em phải góp mỗi người một ít cho mượn. Lúc về ngoài đó sẽ trả lại”.
Còn theo tâm sự của chị Nguyễn Thị Hồng (35 tuổi, xã An Vĩnh): “Tui vào đây được 2 tuần rồi. Bác sĩ nói còn gần 1 tuần nữa mới sinh. Trước khi vào đây chuẩn bị sinh, cả nhà vay được 5 triệu đồng, số tiền ít quá nên ban đầu không dám đi, thế nhưng, bí quá đành liều. Cũng may vào đây “góp gạo thổi cơm chung” với chị em ngoài đảo, ăn uống đỡ tốn. Hy vọng số tiền này đủ để mẹ con tui ăn ở, trả viện phí”.
Giúp người xa quê Theo bà Phùng Thị Thủy, nhiều trường hợp vào đây chờ sinh rất tội nghiệp, như chồng mất, không có người thân... “Cũng đời phụ nữ như nhau nhưng sao lại có người khổ quá. Bởi vậy nên đối với chị em ở Lý Sơn, chúng tôi luôn ưu tiên đặc biệt như: có xe đưa đón đến bệnh viện mỗi lần khám thai, phần quà chúc “mẹ tròn con vuông” trước khi chị em sinh nở…”- bà Thủy chia sẻ. |
(Theo NLĐ)