Những khẩu hiệu chung chung, khô khan dù có mặt ở khắp nơi nhưng vẫn rất khó ghi nhớ.

Chỉ 4 ngày nghỉ Tết dương lịch, cả nước đã xảy ra 209 vụ tai nạn giao thông, làm chết 104 người và bị thương 135 người. Đó là những con số góp phần cho thấy sự nhức nhối của vấn nạn an toàn giao thông tại VN.

Chính vì vậy mà các nhà quản lý càng cần phải gia tăng các giải pháp ngăn chặn, trong đó có sự góp phần từ các khẩu hiệu an toàn giao thông. Tuy nhiên, kiểu khẩu hiệu như “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học” được treo ở nhiều nơi tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định ngày 4/1/2015 (sau đó phải rút xuống) dường như lại phản tác dụng.

{keywords}
Khẩu hiệu gây tranh cãi tại Bình Định. Ảnh: Doãn Công/ Dân Trí

Nhức đầu về khẩu hiệu

Trên báo chí và các diễn đàn mạng, đã có nhiều ý kiến về khẩu hiệu này của Ban ATGT tỉnh Bình Định, trong đó không ít người cho rằng nội dung của nó phản cảm, thiếu tôn trọng người dân. Một số ý kiến khác cho rằng cách viết này dẫn đến cách hiểu là những ai ít học thì có thể… vượt đèn đỏ khi lưu thông trên đường thoải mái? Điều đáng nói, theo một quan chức của Sở GTVT Bình Định, khẩu hiệu này nằm trong nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông do TƯ chuyển về cho địa phương.

Đây không phải là lần đầu tiên khẩu hiệu an toàn giao thông bị người dân kêu ca. Chẳng hạn, tại Cà Mau, hồi tháng 5/2014, người dân đã có ý kiến về các khẩu hiệu không phù hợp. Ví như khẩu hiệu khá trừu tượng “Nhanh một giây, chậm cả đời” hay “Hãy thể hiện là người lịch sự, có văn hóa khi tham gia giao thông”… Thậm chí ý kiến này đã được đưa vào tổng hợp ý kiến cử tri Cà Mau gửi cho Bộ GTVT đề nghị trả lời và giải thích thích đáng.

Có thể thấy, những khẩu hiệu an toàn giao thông hiện nay đang lưu hành ở Việt Nam thiên về hai trạng thái. Một là loại khẩu hiệu rất chung chung, khô khan, chẳng khác gì trích ra từ báo cáo. Ví như “An toàn giao thông - trách nhiệm của mỗi người”, “Thiết lập trật tự kỷ cương an toàn giao thông”, “Tích cực hưởng ứng “thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011-2020”, “Hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông”...

Loại hai là các khẩu hiệu mang tính cảnh báo, thường sử dụng ở các đoạn đường cần sự chú ý của người tham gia lưu thông, như “Chú ý quan sát an toàn khi qua đường”, “ Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”, “Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường”, “Quan sát an toàn khi vượt qua đường sắt”…

Những khẩu hiệu chung chung, khô khan dù có mặt ở khắp nơi nhưng vẫn rất khó ghi nhớ. Còn những khẩu hiệu mang tính cảnh báo thì ngoài phần câu chữ cứng nhắc lại thiếu đi phần hình ảnh minh họa mà trong các trường hợp này là cực kỳ hữu hiệu.

Với cách làm này, hiệu quả tuyên truyền mà ngành giao thông và các nhà quản lý các cấp tạo ra dường như vẫn còn yếu. Người dân cần được nhắc nhở giữ an toàn giao thông, nhưng cái họ cần phải là những khẩu hiệu thực sự lay động được lòng người, ghi nhớ bền lâu. Nếu vẫn duy trì cách làm hiện nay thì hàng năm ngân sách đầu tư cho sáng tác, in ấn, treo và duy trì các khẩu hiệu trên đường phố có thể lên đến cả chục, trăm tỷ mà hiệu quả vẫn cứ là “ẩn số” khó đoán.

Khẩu hiệu của dân hiệu quả hơn ?

Theo Bộ GTVT, hàng năm Bộ này có cung cấp một số khẩu hiệu an toàn giao thông cho các địa phương có thể sử dụng. Ngoài ra, các địa phương sẽ tự làm một số khẩu hiệu.

Đây vẫn là cách làm nặng tính chất từ trên xuống dưới, từ nhà nước đến dân, và phải chăng đã đến lúc nó cần thay đổi? Một là nên đi từ dân đến nhà nước, đó là tạo ra các cuộc thi cho mọi tầng lớp quần chúng có thể sáng tác khẩu hiệu an toàn giao thông để sử dụng rộng rãi trong cả nước? Bên cạnh đó, một giải pháp rất quan trọng là sử dụng các chuyên gia sáng tạo của ngành truyền thông.

Hiện tiềm năng sáng tác khẩu hiệu an toàn giao thông hay và vui từ chính những người dân tại rất dồi dào. Có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng hay trong câu chuyện hàng ngày của người dân những khẩu hiệu mang tính hóa dân gian khá hay, dễ nhớ, dễ thuộc. Ví dụ như “Tránh kẹt xe, học nghe đàn kiến”, “Chậm một giây còn hơn chờ một tiếng”, “Lái xe bất cẩn, ân hận cả đời”, “Uống thêm một ly, dễ đi Chợ Rẫy” (Bệnh viện Chợ Rẫy tại TPHCM), “An toàn giao thông là không tai nạn”, “Đừng dùng kèn để hối thúc, hãy dùng để cảnh báo”, "Đèn đỏ qua rồi lại đến, sinh mạng không có lần hai”, v.v…

Còn với các công ty truyền thông và tiếp thị ở VN từng thành công trong việc tạo ra các khẩu hiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu để gia tăng doanh số, thì sáng tạo các khẩu hiệu giao thông hiệu quả rõ ràng hoàn toàn nằm trong tầm tay. Mặt khác, đây là một hoạt động cộng đồng mà nếu kêu gọi thích hợp, họ cũng có thể tham gia đóng góp để thể hiện trách nhiệm xã hội.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trong Hội nghị ATGT ngày 27/12 vừa qua đã nêu ý kiến về xã hội hóa các nguồn vốn, các hình thức đầu tư cho an toàn giao thông. Nên chăng bắt đầu bằng việc tạo ra những khẩu hiệu hữu ích, dễ nhớ, dễ thuộc, giúp người dân giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông, mà không bị bức xúc khi ra đường vấp phải những “cục sạn” như kiểu “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”?

Nguyễn Anh Thi