Theo trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính tới 6h sáng nay (24/11), toàn cầu có xấp xỉ 259 triệu người nhiễm Covid-19 và hơn 5,18 triệu người thiệt mạng vì căn bệnh này. Số ca hồi phục đạt 234,2 triệu.
Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số người nhiễm mới khi ghi nhận thêm khoảng 63.300 ca trong ngày qua. Về số ca tử vong mới, Nga đứng đầu với hơn 1.243 bệnh nhân xấu số.
Tính theo châu lục, Covid-19 đang hoành hành dữ dội nhất ở châu Á, tiếp đến lần lượt là châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Vienna, Áo. Ảnh: AP |
WHO cảnh báo đáng sợ về Covid-19 ở châu Âu
Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo khu vực gồm 53 quốc gia này có thể ghi nhận thêm 700.000 người tử vong vì Covid-19 trong những tháng sắp tới.
Hiện châu Âu đang đối mặt với một đợt bùng phát dịch, khiến cho Áo phải phong tỏa toàn quốc và Hà Lan áp đặt các hạn chế. Đức cũng đang cân nhắc triển khai các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn.
Cũng theo cảnh báo trên, 25 quốc gia châu Âu sẽ đối mặt với áp lực lớn về giường bệnh, và từ nay đến tháng 3/2022, 49 nước có thể chứng kiến tình trạng quá tải ở các khu điều trị tích cực. Số người tử vong ở châu Âu và Trung Á có thể vượt mốc 2,2 triệu ca tính đến tháng 3 năm tới.
WHO khẳng định, cùng với tiêm chủng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, xét nghiệm và truy vết đóng vai trò then chốt trong ngăn chặn sự lây lan của virus SARC-CoV-2.
Áo phạt tiền người không tiêm vắc xin
Các nhà chức trách Áo thông báo áp khoản phạt lên tới 4.000 USD với những ai từ chối tiêm vắc xin khi chương trình chủng ngừa bắt buộc được thực hiện từ tháng 2/2022.
Hình phạt này là một phần trong nỗ lực của chính phủ Áo cương quyết thúc đẩy tiêm chủng nhằm kiểm soát đại dịch. Hiện nước này đang hứng chịu làn sóng dịch mới với số ca nhiễm tăng vọt, khiến chính phủ phải tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 22/11.
Theo kế hoạch có hiệu lực từ 1/2/2022, nhà chức trách sẽ đặt lịch hẹn tiêm cho những người chưa tiêm mũi vắc xin nào. Nếu từ chối, họ sẽ bị phạt tiền, và nếu không nộp phạt, các đối tượng thậm chí phải nhận án tù.
Có tỷ lệ tiêm chủng ở mức thấp nhất châu Âu, Áo trở thành nước đầu tiên ở Tây Âu bắt buộc người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Hà Lan đưa bệnh nhân Covid-19 sang Đức điều trị
Bắt đầu từ 23/11, các bệnh nhân Covid-19 của Hà Lan được chuyển sang Đức điều trị nhằm giảm tải cho các bệnh viện trong nước.
Cụ thể, vào buổi sáng, một bệnh nhân Covid-19 ở thành phố Rotterdam được xe cứu thương đưa một bệnh viện ở thành phố Bochum của Đức, cách đó khoảng 240 km về phía đông. Chiều cùng ngày, một bệnh nhân khác cũng được đưa theo hành trình tương tự.
Số ca nhiễm ở Hà Lan tăng mạnh trong thời gian gần đây và tỷ lệ nhập viện hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 5. Diễn biến dịch bệnh được dự báo sẽ nghiêm trọng hơn trong những ngày tới.
Tính tới ngày 22/11, 470 trong tổng số 1.050 giường chăm sóc tích cực (ICU) ở Hà Lan đã được sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19, khiến các bệnh viện buộc phải giảm điều trị cho những người nhiễm bệnh khác như ung thư hoặc phẫu thuật tim.
Thái Lan mua thêm 30 triệu liều vắc xin Pfizer
Nội các Thái Lan, ngày 23/11, thông qua kế hoạch của Cục Kiểm soát Dịch bệnh mua thêm 30 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer.
Hãng thông tấn Reuters dẫn lời ông Thanakorn Wangboonkongchana, phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan, cho biết số vắc xin này dự kiến sẽ được giao trong quý 1 của năm tới. Trước đó, Thái Lan đã đặt mua 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca, dự kiến nhận được trong năm nay và 60 triệu liều AstraZeneca trong năm 2022.
Thái Lan, quốc gia cũng đang sản xuất vắc xin AstraZeneca, đến nay đã tiêm được cho khoảng 54% trong tổng số 72 triệu dân. Nước này đã đặt hàng 50.000 liệu trình thuốc kháng virus Molnupiravir của Merck & Co để điều trị Covid-19 và đang trong quá trình thương lượng với Pfizer để mua thuốc Paxlovid.
Ngày 23/11, Thái Lan ghi nhận 5.126 ca nhiễm mới và 53 ca tử vong, nâng tổng số lên hơn 2 triệu ca nhiễm và 20.489 ca tử vong.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Thanh Hảo
Trung Quốc triển khai robot sát khuẩn phòng ngừa Covid-19 phục vụ Olympic
Việc triển khai robot sát khuẩn ở khu thi đấu Olympic cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong công tác phòng dịch Covid-19 ở thế vận hội sắp tới.