Khi phần lớn thế giới rơi vào tình trạng phong tỏa do đại dịch Covid-19, các nhà khoa học đã quan sát thấy một sự sụt giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Và giờ đây Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) đã đưa ra một thống kê mới nhất, mô tả bức tranh tổng thể về biến đổi khí hậu.
Cụ thể nồng độ CO2 trong khí quyển vẫn đang tiếp tục tăng cao và có nguy cơ chạm mức kỷ lục. Điều đáng buồn hơn là xu hướng này không có dấu hiệu chậm lại.
Hồi tháng 5, các nhà khoa học mô tả lượng khí thải CO2 sụt giảm do tác động của biến đổi khí hậu là hiện tượng cực đoan. Thời điểm đó lượng phát thải CO2 hàng ngày trên toàn cầu đã có lúc giảm tới 17% ở mức cao nhất khi nhiều người phải ở nhà để cách ly.
Tuy nhiên, phân tích được công bố cùng thời điểm cho thấy lượng CO2 trong khí quyển vẫn tiếp tục đạt mức cao kỷ lục. Khi thế giới bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, lượng khí thải bắt đầu tăng trở lại.
Mặc dù điều này nghe có vẻ hơi trái ngang nhưng phân tích trên đóng vai trò chỉ báo quan trọng, hối thúc chúng ta cần thực hiện nhiều điều chỉnh ngắn hạn để đảo ngược xu hướng dài hạn của biến đổi khí hậu.
Phong tỏa như thời gian qua là không đủ để cắt giảm lượng khí thải CO2
Các nhà khoa học đo nồng độ CO2 trong khí quyển theo phần triệu (ppm) và mức dưới 350ppm được coi là an toàn cho hành tinh. Nhưng theo thống kê mới nhất tại các trạm quan trắc trên khắp thế giới, con số này đang ở mức kỷ lục.
Cụ thể tại trạm Mauna Loa ở Hawai ghi nhận con số 414,38ppm hồi tháng 7, tăng từ 411,74ppm trong năm ngoái. Trong khi tại trạm Cape Grim ở Úc, chỉ số là 410,04ppm, tăng từ 307,83ppm hồi tháng 7 năm ngoái.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh: "Đây là một năm chưa từng có đối với con người và hành tinh. Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn cuộc sống trên toàn thế giới. Đồng thười sự nóng lên của hành tinh và sự gián đoạn khí hậu vẫn tiếp tục diễn ra.
Chưa bao giờ chúng ta thấy rõ rằng, con người cần phải một quá trình chuyển đổi sạch hơn, lâu dài hơn để giải quyết khủng hoảng khí hậu và đạt được phát triển bền vững. Chúng ta phải biến việc phục hồi sau đại dịch thành một cơ hội thực sự để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta cần khoa học, sự đoàn kết và các giải pháp".
Nghiên cứu cho thấy, giai đoạn từ 2016 - 2020 có thể sẽ là giai đoạn 5 năm ấm nhất từng được ghi nhận.
Để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C (kể từ thời tiền công nghiệp) trong thế kỷ này, việc sản xuất khí nhà kính cần phải được cắt giảm một cách khẩn cấp.
Cụ thể vào năm 2030, thế giới sẽ cần cắt giảm lượng khí thải của 6 quốc gia phát thải hàng đầu thì mới có cơ hội duy trì mức nhiệt độ này dưới 1,5 độ C. Để làm được điều này, rõ ràng chúng ta cần phải giảm lượng phát thải CO2 ở quy mô lớn giống như thời điểm đại dịch vừa qua từ nay đến cuối thập kỷ.
Mực nước biển toàn cầu đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức ghi nhận trước đây. Từ năm 2016 đến năm 2020, tỷ lệ gia tăng là 4,8 mm mỗi năm, tăng hơn 4,1 mm được ghi nhận giữa năm 2011 và 2015. Mức độ băng biển ở Bắc Cực tiếp tục giảm, với tốc độ 13% mỗi thập kỷ.
Tình trạng bhiệt độ tăng cũng gây ra hạn hán và sóng nhiệt và làm tăng nguy cơ cháy rừng và nhiều thiên tai khác.
Theo GenK