Sau khi báo VietNamNet có bài "Đổi đất xây nhà văn hóa theo lời hứa của xã, dân mất 16 năm đi đòi quyền lợi", ông Nguyễn Xuân Quyền, Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê cho biết, huyện đã thành lập đoàn thanh tra để xử lý, giải quyết quyền lợi cho người dân.
“Vừa rồi chúng tôi đã mời thanh tra tỉnh, thanh tra Sở TN&MT lên họp bàn, xin ý kiến giải quyết nhưng họ các ý kiến nói các hộ dân sẽ không được cấp đất mới. Không có quy định, pháp luật về việc đổi ngang đất như vậy, xã làm như vậy là không đúng, giờ huyện sẽ thành lập đoàn thanh tra để đền bù đất cho người dân”, ông Quyền nói.
Ông Nguyễn Văn Thuận đồng ý đổi đất cho xã xây nhà văn hóa thôn trên đất của mình |
16 năm đi đòi quyền lợi bất thành nên vợ ông Thuận đã khóa cửa nhà văn hóa |
Cũng theo ông Quyền, xã đổi lấy đất cho hai hộ để xây hội quán từ năm 2005, nhưng đến năm 2018 xã bố trí cho hai hộ 2 lô đất nhưng chưa được cấp "sổ đỏ".
“Chúng tôi thành lập đoàn thanh tra gồm Phòng TN&MT, Phòng Tư pháp và Thanh tra huyện, thời gian làm việc 30 ngày. Trong biên bản kết luận của thanh tra sẽ trả lời việc người dân đã trồng cây trên hai lô đất được xã bố trí đó sẽ phải xử lý như thế nào, đất đã đổi để thu hồi làm nhà văn hóa thì sẽ phải xử lý như thế nào, đền bù ra sao”, ông Quyền nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên cho hay, trong bản cam kết đổi đất của các hộ dân với xã ghi rõ, lúc nào quy hoạch đất ở đường ADB sẽ bù cho mỗi hộ một lô đất, nhưng đến năm 2018 mới quy hoạch.
“Sau khi quy hoạch đất ở đường ADB, chúng tôi đã tổ chức đấu giá đất, trừ hai lô đất này lại để đền bù cho hai hộ dân nhưng không nghĩ sẽ vướng luật là không được đổi ngang mà chỉ được đấu giá hoặc cấp đất.
Hiện có hai phương án, thứ nhất, kiểm đếm đền bù trên lô đất cũ theo quy định nhưng hướng này các hộ dân không đồng ý. Thứ hai, đấu giá đất hai lô đó, các hộ dân đồng ý hỗ trợ thêm tiền và phối hợp với xã để đấu nhưng đấu giá rất khó vì khi đấu thì có nhiều hồ sơ chứ không riêng gì hai hộ đấu giá, nên cũng có thể hai hộ này sẽ không trúng giá hai lô đất đã bố trí đó”, ông Hưng nói.
Ông Hảo bức xúc vì đổi đất 16 năm nhưng nay vẫn chưa được đổi đất mới |
Như VietNamNet đã đưa tin, năm 2005, UBND xã Lộc Yên được hưởng lợi từ dự án hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng hỗ trợ xây dựng một số nhà văn hóa thôn, trong đó có thôn Trung Thượng và thôn Hương Thượng.
Theo lời Chủ tịch UBND xã Lộc Yên, do “sợ mất dự án” khi quỹ đất của thôn không có địa điểm phù hợp để xây dựng nên lãnh đạo UBND xã Lộc Yên đã trao đổi với một số hộ dân để thương lượng và đổi đất xây dựng các nhà văn hóa thôn.
Trong đó, ông Nguyễn Quang Hảo (SN 1960), Trưởng thôn Hương Thượng đã đồng ý đổi đất để xã xây dựng hội quán thôn Hương Thượng trên diện tích đất ở của gia đình ông là 462m2. Xã hứa sẽ cấp cho gia đình ông một mảnh đất có diện tích 369m2, tại khu vực cửa Miệu nằm sát đường ADB, nay là tỉnh lộ 553.
Tương tự, vào thời điểm trên, hộ ông Nguyễn Văn Thuận (trú xóm Trung Thượng) cũng đồng ý đổi hơn 300m2 đất ở của gia đình để xã xây nhà văn hóa thôn Trung Thượng và cũng được xã hứa bằng văn bản sẽ đổi cho gia đình ông một lô đất có diện tích tương đương tại khu vực cửa Miệu.
Tuy nhiên, đến nay đã 16 năm trôi qua, hai hộ dân vẫn đi đòi quyền lợi. Sau nhiều lần kiến nghị, đến năm 2018, hai hộ đã được xã bố trí cho hai lô đất, đã trồng cây lên đất nhưng hiện vẫn chưa được cấp "sổ đỏ".
Thiện Lương
Đổi đất xây nhà văn hóa theo lời hứa của xã, dân mất 16 năm đi đòi quyền lợi
Chính quyền xã vận động các hộ dân đổi đất để xây nhà văn hóa thôn và hứa sẽ cấp lại đất nơi khác, nhưng 16 năm qua người dân vẫn đi đòi quyền lợi theo lời hứa năm xưa.