- Đất đai nông nghiệp hạn chế, công ăn việc làm không có, hàng trăm hộ dân ở các xã Sơn Lĩnh, Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) phải sống bằng nghề khai thác gỗ trái phép từ rừng đầu nguồn. Bên cạnh đó, sự buông lỏng quản lý của một bộ phận cơ quan chức năng đã tiếp tay cho lâm tặc?

Khai thác gỗ lậu là... “nghề truyền thống”

Mấy chục năm về trước, xã Sơn Hồng được được thành lập với bao nhiêu kỳ vọng vào một vùng kinh tế mới, gắn liền với việc chăm sóc, bảo vệ phát triển rừng và gắn liền với việc gìn giữ an ninh khu vực biên giới của tổ quốc.

Người dân được khuyến khích di dời lên đây, rồi quá trình giãn dân, họ càng ngày càng tiến sát về với rừng.

Diện tích đất nông nghiệp quá ít, người dân Sơn Hồng không có công ăn việc làm, không thu nhập và xem việc khai thác gỗ trái phép là công việc chính.

 

Nhưng rồi, với diện tích đất nông nghiệp ít ỏi, số hộ dân sống được bằng thu nhập từ trồng lúa, hoa màu chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhìn thấy nguồn lợi lớn từ việc khai thác gỗ trái phép, họ đành phải vào rừng mưu sinh.

Ban đầu là khúc tre, cây nứa, lượm lặt ít măng, sản vật từ rừng. Rồi đến việc săn bắn động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép...

Thôn 15 xã Sơn Hồng nằm sát với khu vực rừng nhất, hầu hết cả làng phải dựa vào rừng để sống. Họ xem đây là nguồn thu nhập chính, nuôi sống cả gia đình họ trong nhiều năm qua.

Đôi vợ chồng trẻ Võ Đình Đ. (SN 1982) và Hà Thị Ng. (SN 1985) ở xóm 15, năm 2006, theo chủ trương giãn dân, đôi vợ chồng này vào lập nghiệp tại thôn 15 với bao hứa hẹn hỗ trợ từ chính quyền cơ sở.

Nhưng thực tế cuộc sống ngày càng khó khăn, chẳng thể kiếm đủ tiền để nuôi con, họ bắt buộc phải bám vào rừng.

Ban đầu chỉ đi khai thác ít sản vật về bán, rồi thỉnh thoảng chặt hạ được ít cây thân gỗ lớn về cất giấu, chờ ngày đủ để dựng nhà. Và có lúc phải đi làm thuê cho các đầu nậu.

Gỗ lậu vẫn tiếp tục được các lực lượng chức năng đưa ra khỏi rừng. Dự kiến việc truy quét sẽ kết thúc trước ngày 11/3
 

“Khi chúng tôi vào đây thì rừng đã bị khai thác nhiều rồi. Đất nông nghiệp không có, rừng không được giao, nghề phụ không có, thử hỏi chúng tôi sống bằng cái gì?”, câu hỏi của anh Đồng cũng là niềm khắc khoải của nhiều hộ dân nơi đây.

Chủ tịch xã Sơn Hồng, ông Đoàn Anh Thân cho biết, hầu hết các hộ dân ở xóm 14, 15 đều phải dựa vào rừng để sinh sống, và không thể tránh khỏi việc họ bỗng dưng trở thành lâm tặc. Đất nông nghiệp của xã ít ỏi, rừng thì chỉ giao được cho một số hộ.

“Người dân ở đây rất nghèo, có tới trên 50% hộ nghèo và cận nghèo, đến mùa giáp hạt như hiện nay thì có tới khoảng 30% hộ bị đói. Rừng bị đóng cửa rồi, sắp tới xã sẽ tiến hành xây dựng đề án mô hình chăn nuôi, vận động bà con thay đổi cách làm ăn".

Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho rằng, vấn đề cốt lõi là phải thay đổi nhận thức của người dân sống ở khu vực rừng đầu nguồn. Tập quán bà con quen rồi, để thay đổi phải cả một quá trình.

Trong lần kiểm tra tại xã Sơn Lĩnh và Sơn Hồng, các cơ quan chức năng đã đưa ra con số: Tại xã Sơn Lĩnh có 8/10 xóm với 97 đối tượng khai thác gỗ trái phép, các đối tượng này đều có trâu bò để kéo gỗ từ rừng ra, có 46 đối tượng có cưa xăng để khai thác gỗ.

Còn tại xã Sơn Hồng thì số lượng người tham gia khai thác gỗ trái phép lớn hơn nhiều. Có tới 14/15 xóm với tổng số 232 đối tượng khai thác gỗ trái phép, vận chuyển bằng trâu bò kéo. Số lượng cưa xăng trong dân lên tới 248 chiếc và có tới 11 xưởng cưa, trong đó có 6 xưởng cưa trái phép.

Báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành tháng 11/2011 nhận định: Sơn Hồng có diện tích đất nông nghiệp quá ít, đại đa số nhân dân sống gần rừng không có việc làm ổn định, chủ yếu dựa vào rừng, người dân xem việc khai thác gỗ trái phéo như một nghề làm ăn và thậm chí tổ chức cả số đông để thực hiện.

Cùng nhau triệt hạ rừng đầu nguồn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực rừng tại địa bàn xã Sơn Hồng không chỉ người dân ở xã này vào khai thác trái phép, mà còn có sự tham gia của người dân đến từ các xã lân cận Sơn Lĩnh, Sơn Lâm, Sơn Giang...

Chủ tịch xã Sơn Hồng thừa nhận, ngoài những người lén lút vào rừng khai thác trái phép thì còn có mộ bộ phận lợi dụng vào quá trình khai thác gỗ của Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn (theo con số được phép của UBND tỉnh hàng năm) để chặt hạ khu vực không được phép rồi tìm cách vận chuyển về.

Cảnh tượng rất bình thường trong những nhà dân ở xã Sơn Hồng.


Ông Lê Tiến Cát, PGĐ Cty LN&DV Hương Sơn cho biết, những năm trước đây khi mà Cty vẫn còn được phép khai thác trữ lượng gỗ nhất định thì không thể tránh khỏi việc khai thác “lậu” của một bộ phận công nhân vào làm thuê cho lâm trường.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2011, sau khi UBND tỉnh có chủ trương giao cho Cty lập đề án để bán đấu giá, việc khai thác hợp pháp đã dừng lại.

Theo ông Cát, sỡ dĩ có số lượng lớn gỗ hàng trăm m3 được tập kết trong rừng là do trong 1 năm vừa qua, các lực lượng chức năng đã xiết chặt công tác quản lý, kiếm soát vận chuyển nên các lâm tặc đã không vận chuyển ra được, dẫn đến số lượng gỗ khổng lồ được phát hiện.

“Trước đây nguồn kinh phí chi cho việc bảo vệ rừng lấy từ nguồn khai thác gỗ hợp pháp, từ khi cửa rừng bị “đóng”, chúng tôi không còn tiền đầu từ trở lại cho công tác bảo vệ rừng, tiền lương của anh em giảm một nửa, nhiều người đã phải bỏ việc”, ông Cát cho biết.

Chưa đầy 5km trên tuyến đường Sơn Hồng có tới 6 cơ quan chức năng chốt giữ. Ngoài Biên phòng, kiểm lâm, Ban bảo vệ rừng Hồng Lĩnh, Trạm bảo vệ rừng khe Sinh thì còn có cả chốt của lực lượng Hải quan, và ngay đến xã Sơn Hồng cũng thành lập “Trạm kiểm soát lâm sản”. Một que gỗ nghe có vẻ khó lọt, nhưng rừng vẫn liên tục bị phá

 

Ông Cát tiếp tục thông tin, trước khi có chủ trương “đóng” cửa rừng để xây dựng đề án bán đấu giá, hàng năm công ty đều có nguồn kinh phí để hợp đồng với các lực lượng biên phòng, chính quyền cơ sở để bảo vệ, giữ gìn an ninh. Kinh phí của năm 2010 là 200 triệu đồng, sang đến năm 2011, 2012 thì không còn nữa.

Mặc dù cửa rừng đã “đóng” từ tháng 4/2011 nhưng theo nhận định của một lãnh đạo Hà Tĩnh, có khoảng 20% số gỗ mới khai thác sau tháng 6/2011 cho đến nay, điều đó cho thấy, các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn vẫn tiếp tục buông lỏng quản lý, gây ra thiệt hại lớn cho rừng đầu nguồn.

Khoảng 250m3 gỗ đã được phát hiện và thu giữ, thế nhưng đến nay câu trả lời cho câu hỏi “chủ gỗ lậu là ai?” thì các cơ quan chức năng vẫn không thể trả lời.

Duy Tuấn