Giá xăng thế giới là 64 USD, trong nước giảm 816 đồng, các DN kinh doanh xăng dầu vẫn lãi khoảng 900 ngàn đồng/lít.

TS Nguyễn Hồng Nga - Phó trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định.

Ngày 4/8, Liên bộ Công thương - Tài chính yêu cầu giữ nguyên mức trích quỹ bình ổn nhưng giảm giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, giá xăng Ron 92 và xăng sinh học E5 là 816 đồng/lít, trong khi mức giảm đối với dầu diesel 0,05S là 819 đồng/lít (giá bán lẻ là 19.300 đồng một lít). Đợt giảm giá này là do giá thế giới đã giảm khá mạnh trong vòng 15 ngày qua.

Theo ông Nga, mức giảm giá này là quá ít. "Tính toán một cách đơn giản thì khi giá xăng thế giới là 64 USD, thì việc giảm giá 816 đồng, các DN kinh doanh xăng dầu vẫn lãi khoản 900 ngàn đồng một lít. Trong khi giá thế giới giảm từ 64 USD còn 47 USD, nếu giảm theo đúng giá thế giới thì giá xăng ở VN hiện nay không quá 17 ngàn đồng một lít. Như vậy, giảm 816 đồng/lít là quá ít", ông Nga nói. 

Vị chuyên gia cũng chỉ ra điều bất hợp lý trong điều hành xăng dầu hiện nay. "Tại sao giá thế giới giảm mạnh mà các DN chỉ đợi đúng 15 ngày theo điều 38 của nghị định 83?."

Việc kinh doanh xăng dầu cũng như kinh doanh các hàng hóa khác trong nền kinh tế, có lúc lãi, lúc hòa vốn. Do vậy giá thấp các DN bị thiệt thòi đôi chút nhưng vẫn có lợi nhuận và hơn nữa khi kinh doanh xăng dầu không có khái niệm hàng tồn kho hoặc khó tiêu thụ. Lúc giá thế giới tăng thì lãi rất lớn do chênh lệch giá thế giới đã nhập thấp và bán theo giá thế giới đã lên cao.

Trong khi, giá thế giới giảm các doanh nghiệp xăng dầu liên tục tăng chiết khấu để thu hút đại lý lấy hàng. Đã rất nhiều lần ghi nhận hiện tượng, trong khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu, giá trong nước đứng im hoặc giảm nhỏ giọt, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đều liên tiếp tăng chiết khấu cho đại lý, đạt tới mức trên dưới 1000 đồng/lít. Ông Nga nói thẳng đây là "hiện tượng bất thường".

{keywords}

Xăng dầu giảm quá ít

Bất thường

PV:- Ông có thể giải thích cụ thể hơn "hiện tượng bất thường" như ông đang nói?

TS Nguyễn Hồng Nga: Theo qui định của Bộ Tài chính thì mức chiết khấu cho các DN kinh doanh xăng dầu là khoảng 600 đồng. Việc các DN đầu mối tăng chiết khấu cho các đại lý vì pháp luật không cấm làm điều này. Tuy nhiên là quá cao so với mức bình quân là 600 đồng. Do vậy để ngăn cản các DN tăng mức chiết khẩu cần có chính sách trần chiết khấu.

Thực chất việc tăng chiết khấu cho các đại lý là một việc làm không vi phạm pháp luật, nhưng dưới góc độ kinh tế thì điều này là bất thường. Một mặt giá xăng không giảm theo giá thế giới. Thứ nữa là các doanh nghiệp vẫn tăng được lợi nhuận vì các đầu mối cũng có 1 hệ thống bán lẻ rộng khắp trên thị trường.

Lấy ví dụ Petrolimex, họ chiếm khoảng 30% lượng bán lẻ trên thị trường, do vậy họ tăng chiết khấu lên 400 đồng 1 lít thì họ sẽ tăng được lợi nhuận khi giá thế giới giảm mà giá trong nước không thay đổi. Đây là cách lý luận không nghiêm túc của các DN đầu mối khi họ không giảm giá bán. 

- Thưa ông, Luật không cấm nghĩa là doanh nghiệp được làm. Nhưng tại sao việc làm "không trái pháp luật" của doanh nghiệp xăng dầu lại không nhận được sự đồng thuận của dư luận và giới chuyên gia, thưa ông?

TS Nguyễn Hồng Nga: Dư luận phản ứng vì họ nghi ngờ có sự đồng thuận giữa DN đầu mối và đại lý bán lẻ khiến người dân chịu thiệt.  

Thực ra sự đồng thuận hay “bắt tay” giữa các DN đầu mối và đại lý cũng là mối quan hệ kinh tế ràng buộc lẫn nhau, cả hai người cùng có lợi và các DN đầu mối chia sẻ rủi ro với các đại lý bán lẻ.

Việc dư luận nghi ngờ có sự thỏa thuận giữa DN đầu mối và đại lý là có cơ sở vì như trên tôi đã nói, pháp luật không cấm việc chi hoa hồng cao của các DN đầu mối. Trong một nền KTTT thường thì pháp luật sẽ hạn chế sự “bắt tay” hay câu kết của các DN và sẽ trừng phạt rất lớn về tài chính và làm giảm uy tín thương hiệu với sự thỏa thuận thao túng thị trường.

Hiển nhiên sự câu kết của DN đầu mối và đại lý sẽ làm cho các “thượng đế” bị thiệt thòi và pháp luật phải làm cho sự thiệt của người tiêu dùng là tối thiểu. Đây là một lỗ hổng thể chế mà các DN kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu sử dụng nhằm gia tăng lợi nhuận và hướng thiệt thòi cho người dân.

Dân đang gánh gần 9.000 đồng tiền thuế trên 1 lít xăng 

- Liên tiếp trong nhiều năm, giá xăng dầu Việt Nam vẫn không đi theo nhịp điệu thế giới, trong khi, nhiều chuyên gia đã chỉ ra, người dân phải đóng tới 8.000 đồng thuế phí/lít xăng. Theo ông, điều này đang nói lên vấn đề gì trong công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu? Theo ông, để người dân chịu thiệt ai phải chịu trách nhiệm, thưa ông? 

TS Nguyễn Hồng Nga: Thực ra nói giá xăng dầu VN không đi theo nhịp điệu của thế giới thì chưa chính xác bởi vì chúng ta vẫn tăng giảm theo giá thế giới nhưng khác là chúng ta phản ứng nhanh với gia tăng còn chậm với giảm giá.

Theo tính toán của cá nhân tôi thì các loại thuế mà người dân phải chịu khi mua xăng là gần 9.000 đồng/lít. Trong kinh tế học đã chỉ ra rằng, thuế càng lớn càng gây ra không những tổn thất cho người tiêu dùng mà còn làm giảm phúc lợi xã hội. Có nghĩa là cái được của người bán sẽ nhỏ hơn nhiều so với sự mất mát của người tiêu dùng. Việc người dân phải chịu phí chồng phí, thuế chồng thuế là do các chính sách và nghị định của chính phủ về định giá, trong đó có rất nhiều loại thế và phí như thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường,... Đây là việc tận thu của chính phủ đối với người dân, trong khi người dân không kiểm soát được chi tiêu tiền thuế của nhà nước.

Theo chúng tôi, nhà nước cần giảm một số loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường... Người dân VN còn chưa giàu, nếu không nói là vẫn nghèo đa số, cho nên nhà nước nên tính toán cho kỹ những khoản thuế mà người dân phải chịu. 

- Mới đây, Bộ Công thương đề xuất đưa điện và xăng dầu ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ độc quyền. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này? Theo ông, đề xuất được thông qua có xóa bỏ được tình trạng độc quyền hiện nay và người dân sẽ được lợi hay không, nếu không thì tới bao giờ?

TS Nguyễn Hồng Nga: Chắc chắn việc nhà nước bỏ điện và xăng dầu ra kho danh mục hàng hóa dịch vụ độc quyền sẽ làm giảm mức độ tích tụ trong hai ngành trên. Nếu nhà nước mạnh dạn cấp phép, thậm trí cho DN nước ngoài kinh doanh thì sẽ xóa bỏ được tình trạng độc quyền điện và xăng đầu.

Trong thời gian đầu, do các rào cản về thủ tục pháp lý, thủ tục kinh doanh, vốn, mặt bằng… , nên thị trường xăng dầu cho dù không còn độc quyền nhưng vẫn có thể độc quyền nhóm câu kết. Khi đó người dân chưa được lợi do giá vẫn độc quyền câu kết.

Tuy nhiên về dài hạn việc tăng cạnh tranh sẽ làm thị trường xăng dầu thêm minh bạch và giá sẽ vận động đúng theo qui luật thị trường. Xóa bỏ độc quyền sẽ làm cho lợi nhuận độc quyền mất đi, ít nhất là giảm, người dân sẽ được lợi và phúc lợi tổng thể nền kinh tế được gia tăng cho dù nền kinh tế phải hy sinh lợi nhuận độc quyền và nhà độc quyền bị giảm lợi nhuận và chịu sự cạnh tranh, mà cạnh tranh là động lực để phát triển. Về mặt lý thuyết nhà nước chỉ kinh doanh những sản phẩm và dịch vụ mà dân doanh Không thể, không muốn và không được phép kinh doanh. Chúng tôi hoan nghênh việc đưa xăng dầu ra khỏi danh mục hàng hóa độc quyền

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Đất Việt)