"Đạp núi", "rẽ suối" tới trường

Từ trung tâm thị xã Lai Châu, men theo cung đường núi uốn lượn không ngừng, phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ di chuyển mới đến được xã Nậm Ban, và mất khoảng 3 giờ đồng hồ để đặt chân được đến xã Nậm Hàng. Nằm ẩn mình giữa những dãy núi hùng vĩ vùng Tây Bắc, đây là hai địa bàn thuộc diện kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

Con đường đến xã đã gian nan là thế, để đến các bản vùng sâu, vùng xa thuộc hai xã này lại càng hiểm trở hơn. Bởi tại đây, đường không chỉ khó đi mà còn bị chia cắt mạnh bởi hệ thống khe suối, có nguy cơ sạt lở, giao thông đứt đoạn mỗi mùa mưa lũ.

anh 1.jpeg
 Trước khi có cầu, con đường “đi tìm con chữ” của các em học sinh vùng cao khó khăn. Ảnh: Như Đặng

"Phải dắt xe máy cùng bò qua suối, đôi khi xe máy còn bị hỏng, bị vỡ cả bộ máy vì đập vào đá, (suối) toàn đá to không bê qua được, mình phải dắt đi thôi", anh Vừ A Mua - trưởng bản Huổi Pết (xã Nậm Hàng) kể về cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương. 

"Ngày mưa lũ xe máy không đi được, cũng không có đường vòng, chỉ có một con đường này. Suối chảy ầm ầm, các cháu đi học không đi được luôn", anh nhớ lại.

Không có đường vào, không thể xây điểm trường trên bản, vì vậy vào những ngày mưa lũ, các em học sinh tại những nơi xa xôi như bản Huổi Pết, bản Nậm Ô phải lựa chọn: đối diện với nguy cơ tai nạn khi lội suối đi học hoặc nghỉ học ở nhà. 

Do vậy, đa phần các em ở bán trú, chấp nhận sống xa gia đình từ nhỏ. Cá biệt, có em nhà xa nhất lên tới 120 cây số, phải ở bán trú cả học kỳ mới được về nhà một lần dịp Tết. Con đường khó khăn là vậy, nên cũng hiếm lắm bố mẹ mới có thể xuống thăm các em một lần.

Hai cây cầu mới giúp trẻ vùng cao thuận tiện tới lớp

Đầu tháng 1/2024, Grab Việt Nam và Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam khánh thành 2 cây cầu qua suối tại bản Huổi Pết, xã Nậm Hàng và bản Nậm Ô, xã Nậm Ban. Theo ước tính của Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, hơn 7.000 em học sinh, giáo viên và người dân của hai xã Nậm Ban và Nậm Hàng sẽ được đi lại an toàn, thuận lợi hơn nhờ những cây cầu mới này.

Đông đảo người dân, các em học sinh tập trung trong lễ khánh thành, bày tỏ niềm vui sướng, hồ hởi khi có cầu mới. "Sau khi có cầu này người dân cũng rất là mừng. Tiện lợi bao nhiêu. Kể cả mùa mưa, chỉ cần không sạt lở là vẫn đi được, đưa các cháu đi học bình thường và đón về", anh Vừ A Mua bộc bạch. 

Đối với các em nhỏ, từ nay con đường đến trường đã không còn gập ghềnh sỏi đá, dù là ngày mưa cũng vẫn có thể tự tin sải bước đến lớp. Đối với những người dân địa phương, đây sẽ là động lực để cải thiện chất lượng cuộc sống, mở ra những cơ hội làm kinh tế mới, khuyến khích đời sống xã hội ngày càng tiến bộ.

2 ava.jpg
Công trình cầu ngầm tràn điểm Huổi Lạng (thuộc bản Huổi Pết, xã Nậm Hàng) - một trong hai cây cầu thuộc dự án “Xây cầu đến lớp” vừa được khánh thành vào đầu tháng 1/2024

Có mặt tại lễ khánh thành, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam bày tỏ hy vọng các cây cầu sau khi được đưa vào sử dụng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đảm bảo việc sử dụng cây cầu đúng mục đích và bền vững để ngày càng nhiều người được hưởng lợi hơn nữa.

anh 3.jpg
 Đại diện Grab Việt Nam trao quà cho các em học sinh xã Nậm Hàng

Tại buổi lễ, ông Alejandro Osorio - Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam bày tỏ: "Chúng tôi rất vui mừng khi hai cây cầu được đưa vào hoạt động, đánh dấu sự thành công của dự án “Xây cầu đến lớp”. Hai cây cầu còn mang ý nghĩa đặc biệt hơn khi được khánh thành vào dịp năm mới 2024, giúp các em học sinh, thầy cô giáo đến trường an toàn hơn, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Trong thời gian tới, Grab sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều dự án cộng đồng, đúng với sứ mệnh “Grab vì cộng đồng” mà chúng tôi cam kết thực hiện tại Việt Nam”.

“Xây cầu đến lớp” là dự án được Grab Việt Nam và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai từ năm 2019, đến nay đã khánh thành 8 cây cầu tại 5 địa phương là: Vĩnh Long, Hà Giang, Tiền Giang, Quảng Trị và Lai Châu.

Doãn Phong