Kiện toàn nhiều quyết định bản lề về chuyển đổi số

Trên lộ trình xây dựng và thực hiện chủ trương theo “chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hậu Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, Cải cách hành chính và Chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang ban hành nhiều văn bản, quyết định, đề án, kế hoạch mang tính bản lề, mở đường cho việc đẩy mạnh quá trình ứng dụng công nghệ số, từng bước thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số.

Trong số đó có thể kể đến các văn bản như: quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chính quyền điện tử, cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang; phê duyệt Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang; dự án xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025;  Kế hoạch triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2021; Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số…

Hậu Giang đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, hướng tới sự tiện lợi cho người dân

Cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý nhà nước đã được tỉnh Hậu Giang đưa thành chiến lược phát triển quan trọng của tỉnh. Những hoạt động cụ thể về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính đã được tỉnh thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.

Trong đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, gắn với xây dựng chính quyền điện tử được xem là “chìa khóa” giúp tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

 Bưu điện tỉnh đang chủ động làm việc với các Sở, ngành và UBND các cấp để phối hợp lựa chọn các thủ tục chuyển giao sang bưu điện thực hiện.

Tại buổi làm việc mới đây giữa UBND tỉnh Hậu Giang và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam về việc triển khai Quyết định 468/2021/QĐ-TTg về phê duyệt đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, ông Phạm Giang Sơn, Giám đốc Bưu điện tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện Bưu điện tỉnh đang chủ động làm việc với các Sở, ngành và UBND các cấp để phối hợp lựa chọn các thủ tục chuyển giao sang bưu điện thực hiện.

Đặc biệt Bưu điện tỉnh sẵn sàng tiếp nhận công chức tại các điểm chuyển giao đến làm việc tại bộ phận một cửa, nếu cán bộ đó nằm trong diện tinh giảm biên chế nhưng vẫn đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng của Bưu điện tỉnh.

"Tất cả nhân viên Bưu điện tham gia tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa các cấp đều được tuyển dụng rất kỹ. Chúng tôi không chỉ yêu cầu về lý lịch trong sạch, trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc thực tế, tính kỷ luật cao mà còn yêu cầu cả về hình thức, văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự, thể hiện được Văn hóa doanh nghiệp của Bưu điện Việt Nam’, ông Sơn khẳng định.

Riêng đối với việc thực hiện số hóa hồ sơ theo quy định của Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, mới đây Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản đồng ý giao cho Bưu điện tỉnh chịu trách nhiệm số hóa hồ sơ và nhập các hồ sơ lên cổng dịch vụ công của tỉnh ngay khi tiếp nhận hồ sơ của người dân qua dịch vụ bưu chính công ích. Bên cạnh đó đối với các thủ tục hành chính công cấp độ 3-4, nếu người dân không có thiết bị hoặc chưa biết cách thực hiện số hóa hồ sơ thì có thể đến các điểm phục vụ của Bưu điện để được hỗ trợ miễn phí việc nộp hồ sơ trực tuyến.

Hiện toàn tỉnh đã đạt 100% tỷ lệ thực hiện một cửa, một cửa liên thông. Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cải cách cơ bản thủ tục hành chính, nâng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt mức trên 80%.

Tăng tốc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh

Hậu Giang xác định 3 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2020 – 2025, trong đó nhiệm vụ thứ ba nêu rõ: “thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội”.

Các nghị quyết cao nhất trong lộ trình thực hiện mục tiêu nhiệm vụ trên đã được tỉnh Hậu Giang ban hành, như: Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 – 2025, với mục tiêu là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh.

Trong hoạt động giám sát, điều hành đô thị thông minh của mình, Hậu Giang tiếp tục nâng cấp, quản lý và vận hành Trung tâm Dữ liệu, Cổng Thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công, Quản lý văn bản, Hệ thống thư điện tử công vụ, Hệ thống ứng dụng di động Hậu Giang App…; Triển khai ứng dụng nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia tại tỉnh Hậu Giang (PayGov), triển khai và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về quy trình sử dụng biên lai điện tử trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử; Triển khai và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quy trình xử lý thanh toán thực hiện nghĩa vụ đất đai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia… và nhiều hoạt động khác.

Với sự nỗ lực vào cuộc của chính quyền các cấp, công cuộc chuyển đổi số nền hành chính trên cả nước nói chung và ở Hậu Giang nói riêng sẽ góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước, giúp chính quyền các cấp có đủ năng lực để vận hành nền kinh tế số, xã hội số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân.

Hồ Nhụy, Hoàng Hiệp, Ngân Phương