Điểm nhấn xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Bình Phước bắt đầu từ cuối năm 2018, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Nghị quyết 07/NQ-TU về xây dựng chính quyền điện tử Bình Phước giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. 

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh đã xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 1.0. Đến đầu năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục ban hành phiên bản 2.0 nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan nhà nước của tỉnh, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2022, Bình Phước đặt ra 6 nhiệm vụ CCHC, trong đó tập trung vào phát triển và xây dựng chính quyền điện tử.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 18/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, với quan điểm: Chuyển đổi số là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, chuyển đổi số phải do cấp ủy lãnh đạo, chính quyền thực hiện với sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị nhằm chuyển đổi số thành công trên mọi lĩnh vực. 

Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy đưa ra quan điểm, mục tiêu là thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện; coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình này; lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm.

Với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm động lực kiến tạo, phát triển”, Bình Phước chọn nhóm 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số đến năm 2025, gồm: Quản lý dân cư, tài nguyên, giáo dục, y tế, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, sản xuất công nghiệp. Đồng thời, tỉnh xây dựng nhóm 5 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện, gồm: mô hình doanh nghiệp với 5 công ty; mô hình hợp tác xã với 2 đơn vị; mô hình cơ quan hành chính với 12 cơ quan; mô hình cấp huyện với 3 địa phương (thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long và huyện Lộc Ninh); mô hình cấp xã với 20 xã, phường, thị trấn. 

Ngoài ra, Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy còn đề cập việc Bình Phước tăng cường hợp tác với các tập đoàn, công ty có uy tín, năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin để hợp tác, thuê dịch vụ, ưu tiên triển khai ứng dụng dùng chung, giảm mua sắm, nâng cao hiệu quả của chuyển đổi số. 

Quan điểm của tỉnh là chuyển đổi số phải do cấp ủy lãnh đạo, chính quyền thực hiện với sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị; thực hiện trên từng lĩnh vực tiến tới đồng bộ và toàn diện, với ba trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số); chuyển đổi số gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước, tất cả hướng tới phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn. 

8 nhóm chỉ số thành phần CCHC và 6 nhiệm vụ CCHC

Tại cuộc họp sáng 5/5, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã xem xét chỉ số CCHC năm 2021 của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Dự họp có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan. Cuộc họp do Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Trần Tuyết Minh chủ trì.

Thông qua kết quả đánh giá các chỉ số thành phần CCHC theo 8 lĩnh vực gồm: chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính; khảo sát hài lòng của người dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính; chỉ số CCHC trung bình của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đạt 88,81%, giảm 1,44% so với năm 2020; và chỉ số CCHC trung bình của UBND các huyện, thị xã, thành phố đạt 85,93%, tăng 0,01% so với năm 2020.

Cụ thể, 9/31 cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc nhóm tốt có chỉ số từ 90% trở lên. 22/31 cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc nhóm khá có chỉ số từ 80% đến dưới 90%. Không có cơ quan, đơn vị, địa phương, có chỉ số nằm trong nhóm trung bình và nhóm yếu.

Tại cuộc họp, các đơn vị có kết quả thực hiện thuộc nhóm tốt báo cáo tham luận chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để thực hiện CCHC; đồng thời các đơn vị bị giảm thứ bậc các chỉ số thành phần giải trình, báo cáo nguyên nhân đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đối với các đơn vị, địa phương có kết quả chỉ số ở các lĩnh vực CCHC thuộc nhóm tốt cho thấy sự chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công tác CCHC. Đối với một số đơn vị giảm các chỉ số thành phần do chưa hoàn thành 100% các nhiệm vụ CCHC theo Bộ chỉ số quy định. Vẫn còn người dân, tổ chức chưa hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính và được thể hiện qua kết quả khảo sát tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp và trên trang dịch vụ công của tỉnh.

Cuộc họp đã tập trung thảo luận 8 nhóm chỉ số thành phần CCHC. Trên cơ sở thảo luận, phân tích từng chỉ số thành phần để đưa ra mục đích, yêu cầu về CCHC trong năm 2022, đồng thời đặt ra 6 nhiệm vụ CCHC, trong đó tập trung vào phát triển và xây dựng chính quyền điện tử.

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo CCHC tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh: CCHC rất quan trọng, đây là nhiệm vụ thường xuyên liên tục của tất cả cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh. Mục tiêu xây dựng các cơ quan hành chính thông suốt, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Lấy kết quả khảo sát hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của chính quyền các cấp đối với người dân và nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện CCHC đề cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Khi người đứng đầu phân công rõ người, rõ việc, đúng người, đúng việc, kiểm tra, đôn đốc thì kết quả CCHC sẽ tốt hơn. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo CCHC tỉnh Trần Tuyết Minh đề nghị: Các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC trong năm 2022 nghiêm túc, hiệu quả. Trên cơ sở kết quả chỉ số CCHC năm 2021 được công bố, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phân tích rõ hơn các nguyên nhân của đơn vị và đưa ra giải pháp cần khắc phục gửi báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 25-5. Phải nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế thấp nhất tình trạng trễ hẹn, trường hợp trễ hẹn phải có thư xin lỗi và có ngày hẹn giải quyết, trả kết quả rõ ràng. Phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy hành chính nếu cán bộ nào có hành vi nhũng nhiễu với người dân và doanh nghiệp. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh việc sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu, tiêu chí, thành phần không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra CCHC đối với các đơn vị; khẩn trương tham mưu quy chế phối hợp, hoạt động CCHC gửi về UBND tỉnh.

Phước Long