Chỉ sau 3 năm khởi động, cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng đã có sự hình thành bước đầu và kết nối được với các thành tố của hệ sinh thái; cơ chế, chính sách đã và đang được xây dựng hoàn thiện; cơ sở hạ tầng và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp gia tăng cả về số lượng, chất lượng.
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Thành phố Đà Nẵng đang nghiên cứu và xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đặc biệt là đề án xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung và Tây nguyên.
Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp Đà Nẵng vẫn còn không ít hạn chế. Đà Nẵng vẫn chưa xác định và xây dựng bản sắc riêng của cộng đồng khởi nghiệp, chưa có các dự án khởi nghiệp thực sự lớn, gọi vốn được chục triệu USD, khó khăn trong việc tiếp cận các quỹ đầu tư cũng như khó thương mại hóa sản phẩm của các startups …
Vì vậy, tại ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng (Surf) 2019 do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp và Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng tổ chức một trong những nội dung được các chuyên gia, lãnh đạo Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp đưa vào chương trình nghị sự là xây dựng cơ chế sandbox cho các chính sách khởi nghiệp của Đà Nẵng.
Đà Nẵng xây dựng cơ chế sandbox để hỗ trợ các startups |
Theo các chuyên gia, những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới khi chưa biết quản lý thế nào, có thể được thử nghiệm trong không gian và thời gian giới hạn gọi là sandbox. Sau thử nghiệm, các nhà quản lý sẽ đánh giá sandbox, từ đó vận dụng vào xây dựng cơ chế, chính sách quản lý các mô hình đó.
Lấy ví dụ cho cơ chế sandbox, Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, Trần Đình Tùng cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình xe công nghệ Grab, Uber hoặc các dịch vụ của nền kinh tế chia sẻ như lưu trú Airbnb, chia sẻ không gian làm việc... Các cơ quan quản lý thật sự lúng túng trước các mô hình này. Vì vậy, thuật ngữ sandbox được nhắc tới như "lời giải" cho các bài toán pháp lý đặt ra. Việc áp dụng cơ chế sandbox để thử nghiệm cơ chế quản lý cho các mô hình mới là lựa chọn mà nhiều quốc gia đã thực hiện.
Ông Trần Vũ Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Shihub cho biết: Đà Nẵng là địa phương đầu tiên có quỹ đầu tư mạo hiểm cho các startup do một số doanh nghiệp địa phương lập ra. Tuy nhiên, khung pháp lý cho quỹ này hoạt động như thế nào, đóng thuế ra sao, ….vẫn là bài toán chưa có lời giải. Vậy có nên xây dựng sandbox thử nghiệm chính sách quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm của Đà Nẵng?
Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, ông đang được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án đưa Đà Nẵng thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung và Tây nguyên với nhiều chính sách mở mang tính chất thử nghiệm. Vì vậy, những gợi ý của ông Trần Vũ Nguyên tổ nghiên cứu sẽ xem xét đưa vào nội dung xây dựng cơ chế sandbox cho Đà Nẵng.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng theo chủ trương của Chính phủ, Việt Nam sẽ xây dựng 3 trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
“Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan sẽ cho Đà Nẵng làm thí điểm một số chính sách nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung-Tây nguyên. Bộ sẽ lấy bài học của Đà Nẵng để điều chỉnh chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Tôi hy vọng với cách làm sandbox như vậy, chúng ta sẽ có chính sách phù hợp cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam,” ông Trần Đình Tùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Next Tech cho rằng, sự chậm trễ trong việc xây dựng cơ chế sandbox để thử nghiệm các chính sách cho mô hình kinh doanh, giải pháp công nghệ mới đôi khi là rào cản, làm nhụt nhuệ khí đổi mới sáng tạo, khiến chúng ta không thể đột phá mà còn tụt lại phía sau.
"Một điều quan trọng là tư duy làm chính sách, pháp luật, xử lý các vấn đề mới cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo," ông Bình nhấn mạnh.