Trao đổi với PV VietNamNet, ông Võ Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Đây cũng là nhiệm vụ phục vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai và kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

"Đối với cơ quan Nhà nước, cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng và đưa vào vận hành sẽ tạo sự thay đổi về phương thức làm việc. Quy trình cung cấp dịch vụ được minh bạch và trách nhiệm hơn, qua đó cải thiện sự tham gia và phản hồi tích cực từ các bên liên quan", ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất sẽ cung cấp một nền tảng, dữ liệu được chia sẻ rộng rãi với các bộ, ban, ngành khác, thúc đẩy tính minh bạch và sự tiếp cận của cộng đồng để cập nhật và khai thác thông tin đất đai đáng tin cậy.

"Việc khai thác, chia sẻ các thông tin đất đai giữa các cơ quan và các bên liên quan như cơ quan thuế, dân cư,.... bước đầu thực hiện rất hiệu quả, đặc biệt là những thông tin địa chính, để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, thông tin liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, giá đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính bền vững và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai", ông Tuấn thông tin.

Đối với người dân và doanh nghiệp, khi có cơ sở dữ liệu đất đai sẽ mang lại nhiều tiện ích như tạo môi trường công khai, minh bạch, giảm phiền hà, rút ngắn thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

"Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến có thể thực hiện 24/7 và có thể thực hiện tại bất cứ đâu có kết nối Internet, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả, giảm thành phần hồ sơ, giấy tờ phải nộp đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ, tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính về đất đai", ông Tuấn nói.

Tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Theo ông Tuấn, hiện nay các địa phương đã nhận thức và hiểu được được tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là công cụ cơ bản để phục vụ tốt cho công tác quản lý đất đai.

Điển hình như một số địa phương đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh để quản lý đất đai theo hướng hiện đại. Và xây dựng được một khối lượng rất lớn dữ liệu đầu vào để xây dựng cơ sở dữ liệu đó là hệ thống bản đồ (dữ liệu đồ họa) và hệ thống hồ sơ đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất (dữ liệu thuộc tính).

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại các khó khăn, vướng mắc như dữ liệu đất đai là dữ liệu lớn, thuộc phạm vi cả nước.

"Dữ liệu đất đai rất phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa và dữ liệu thuộc tính có nhiều trường thông tin; biến động liên tục", ông Tuấn cho biết.

Việc đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao dẫn đến tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở một số địa phương còn chậm, cơ sở dữ liệu đất đai do các tỉnh, thành phố xây dựng cơ bản chưa được phủ kín phạm vi toàn tỉnh; trình độ chuyên môn, kỹ năng để thực hiện việc xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương và địa phương hiện nay còn hạn chế.

"Nhiều địa phương do ngân sách khó khăn, không đảm bảo từ nguồn 10% tiền thu sử dụng đất cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương; việc đầu tư kinh phí của ngân sách hàng năm của tỉnh, thành phố cho xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ", ông Tuấn thông tin.

Nguyễn Việt Hùng, Hà Quốc Tiến, Phạm Thu Huyền, Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Hoàng Hà