Năm ngoái, chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Indonesia đã công bố các ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC). ASEAN cần duy trì vai trò trung tâm và trở thành điểm đến của sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Với tinh thần đó, ASCC đã tập trung vào một loạt các biện pháp, bao gồm tăng cường hệ thống y tế, thúc đẩy sự phát triển nông thôn, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ và nâng cao năng lực lao động, cùng với việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của người khuyết tật.

Trong việc tăng cường hệ thống y tế khu vực, cần đánh giá các biện pháp để cải thiện tiếp cận y tế và ứng phó tốt hơn với nhiều nguy cơ rủi ro về sức khỏe trong khu vực. Đặt sự kết nối giữa con người, động vật, thực vật và môi trường là trọng tâm.

Một ưu tiên khác cũng được đẩy mạnh trong năm 2023, đó là việc trao quyền cho làng bản giúp thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của khu vực nông thôn. Để làm được điều này, ASCC đã tăng cường phát triển nông thôn thông qua việc sử dụng các cơ hội hợp tác và chia sẻ kiến thức.

Đặc biệt, các quốc gia thành viên ASEAN cho thấy sự nỗ lực trong việc thúc đẩy các ưu tiên quan trọng trong Kế hoạch tổng thể ASCC. Bao gồm những sáng kiến giúp phát triển bền vững, tăng cường hỗ trợ xã hội, cải thiện hệ thống y tế khu vực, trao quyền cho các nhóm nhân dân dễ bị tổn thương và đẩy mạnh khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác để giải quyết các thách thức hiện nay và đảm bảo rằng tất cả các bên đều cùng hưởng lợi từ quá trình hội nhập khu vực này.

Ý tưởng về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) nói riêng trong tổng thể Cộng đồng ASEAN nói chung được khởi nguồn từ văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2020, thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ 2, tháng 12/2007.

Tầm nhìn hình dung về một cộng đồng ASEAN với nhận thức rõ về các mối quan hệ lịch sử, di sản văn hoá, gắn bó với nhau bởi bản sắc khu vực chung; gắn kết về xã hội và đùm bọc lẫn nhau,  trong đó nghèo đói, suy dinh dưỡng không còn là vấn đề lớn; gia đình, đơn vị cơ bản của xã hội, quan tâm chăm sóc các thành viên của mình, đặc biệt là trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người già; những người yếu thế, người khuyết tật được quan tâm đặc biệt; công bằng xã hội được đề cao; một Đông Nam Á không có ma tuý; có khả năng cạnh tranh cao về công nghệ; một ASEAN xanh và sạch; một khu vực Đông Nam Á có khả năng ứng phó tốt hơn với các vấn đề mang tính khu vực như suy thoái và ô nhiễm môi trường, buôn bán ma túy, phụ nữ, trẻ em và các loại tội phạm xuyên quốc gia khác; một cộng đồng có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân, nơi phẩm giá và phúc lợi của con người được đề cao, vì lợi ích chung của cộng đồng v.v.

W-hoinghi.png

Kế hoạch tổng thể ASCC khẳng định lại mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN là xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở nơi cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.

Kế hoạch tổng thể tập trung vào 6 nội dung chính: Phát triển con người; Phúc lợi xã hội và bảo vệ; Công bằng xã hội và các quyền; Đảm bảo môi trường bền vững; Xây dựng bản sắc ASEAN; và thu hẹp khoảng cách phát triển. Dưới mỗi nội dung này là các thành tố và hoạt động hợp tác cụ thể để triển khai, bao gồm:

Phát triển con người: ASEAN sẽ nâng cao cuộc sống và đời sống của người dân ASEAN thông qua tạo cách tiếp cận đồng đều đối với các cơ hội phát triển con người, thúc đẩy và đầu tư vào giáo dục và học tập suốt đời, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực, khuyến khích đổi mới và tinh thần doanh nghiệp, thúc đẩy sử dụng tiếng Anh, Công nghệ Thông tin và khoa học và công nghệ ứng dụng trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

Phúc lợi xã hội và Bảo vệ: ASEAN cam kết nâng cao mức sống và điều kiện sống của người dân ASEAN thông qua xoá giảm đói nghèo, bảo đảm phúc lợi và bảo hiểm xã hội, xây dựng một môi trường an toàn, tin cậy và không ma tuý, nâng cao khả năng bền vững trước thảm hoạ và giải quyết những mối quan tâm về y tế.

Quyền và Bình đẳng Xã hội: ASEAN cam kết thúc đẩy bình đẳng xã hội và lồng ghép quyền của người dân vào chính sách của mình và mọi mặt của đời sống, bao gồm quyền và phúc lợi của các nhóm bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề xã hội như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và lao động nhập cư.

Bảo đảm Môi trường bền vững:  ASEAN hướng tới phát triển bền vững cũng như đảm bảo môi trường xanh và trong lành bằng cách bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ sở phát triển kinh tế, xã hội bao gồm quản lý và bảo tồn bền vững dầu mỏ, nguồn nước, khoáng sản, năng lượng, đa dạng sinh học, rừng, các tài nguyên biển và ven bờ cũng như thúc đẩy việc đảm bảo chất lượng nguồn nước và không khí cho khu vực ASEAN. ASEAN sẽ tích cực tham gia vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức môi trường toàn cầu trong đó có biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-zôn cũng như phát triển và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường vì nhu cầu bảo vệ môi trường bền vững.

Tạo dựng Bản sắc ASEAN: Bản sắc ASEAN là cơ sở của lợi ích khu vực Đông Nam Á. Đây là nhân cách, chuẩn mực, giá trị và tín ngưỡng chung của chúng ta. ASEAN sẽ lồng ghép và nâng cao hơn nữa nhận thức về ASEAN và giá trị chung theo tinh thần thống nhất trong đa dạng ở mọi tầng lớp xã hội.

Thu hẹp khoảng cách phát triển: Thu hẹp khoảng cách phát triển đặc biệt trong khía cạnh xã hội của phát triển giữa ASEAN-6 và các nước Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam và trong ASEAN nơi một số nhóm biệt lập sống dưới mức phát triển vẫn còn tồn tại.

Với mục tiêu xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, sống đùm bọc và chia sẻ, hướng tới người dân, chăm lo cho thể chất, phúc lợi, môi trường sống ngày càng tốt hơn của người dân, và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực, Ban Thư ký ASEAN cùng các cơ quan chuyên ngành trong trụ cột văn hoá xã hội đã xây dựng bảng chấm điểm (Scorecard) và hệ thống giám sát triển khai để tiến hành theo dõi, đánh giá định kỳ việc triển khai kế hoạch tổng thể ASCC.