Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung cho biết, tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021-10/2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD. Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn giao dịch Binance, theo báo cáo gần đây của Wall Street Journal.
Đại diện Hiệp hội Blockchain cho biết thêm, theo Văn phòng Ma túy và tội phạm trực thuộc LHQ, tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể ngang bằng 2-5% GDP toàn thế giới, tương đương 800-2.000 tỷ USD (đây là một ước tính thấp).
Đặc biệt, rửa tiền thường liên quan đến việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, buôn người... Vì vậy, công tác phòng, chống rửa tiền là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam từ rất sớm.
"Tính tới thời điểm hiện nay mới chỉ có một số quốc gia, vùng lãnh thổ kịp ban hành quy định pháp lý để ngăn chặn tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao và công nghệ blockchain, như EU với đạo luật Thị trường tài sản mã hóa (MiCA). Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2024, MiCA mới chính thức có hiệu lực", ông Trung cho biết.
Các nền kinh tế năng động khác, như Mỹ, Hàn Quốc... cũng ban hành nhiều quy định để tăng cường tính minh bạch.
Tại Việt Nam, do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số, nên mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ 1/3/2023, nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan Nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.
Về mặt pháp lý, để phòng chống rửa tiền qua giao dịch tiền mã hóa hiệu quả, ông Phan Đức Trung kiến nghị cần sớm luật hóa các định nghĩa VA và VASP (tài sản ảo và nhà giao dịch tài sản ảo).
Đồng thời, nhận diện giao dịch tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự năm 2015 của Việt Nam đã ghi nhận như một quyền tài sản hay quyền phái sinh trên tài sản sở hữu trí tuệ. Mặc dù báo cáo số 255/BC-BTP năm 2018 đã khuyến nghị nên ghi nhận là tài sản mã hóa.
Trong khi chưa có các văn bản pháp lý cụ thể về tiền mã hóa thì tài sản này vẫn hoàn toàn có cơ sở được pháp luật công nhận theo các quy tắc của BIS, Basel và chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS.
Về mặt thực tế, VA và VASP được đề cập trong cam kết tăng cường cơ chế phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố cấp Chính phủ, do Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam là đại diện, ký với APG/FATF. Việc ghi nhận là tài sản ảo hay tài sản mã hóa sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý ban hành các quy định tiếp theo trong hàng loạt việc nhằm sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám (grey list) của FATF mà trong đợt đánh giá vừa qua Việt Nam đã bị nêu tên cùng 25 quốc gia.
Trước đó, trong các hội thảo góp ý chính sách cho ngành blockchain, ông Trung cũng nhấn mạnh các cơ quan nhà nước có thể bắt đầu định hình những loại tài sản này từ bộ luật dân sự và đưa việc quản lý tài sản số vào khung pháp lý chung chứ không nên nằm riêng biệt trong một hoặc một vài luật chuyên ngành.
Trước tình hình đó, từ đầu năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố dự án chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer, một trong 4 chương trình trọng điểm.
Mục đích của ChainTracer là nhằm thúc đẩy tính minh bạch và công khai của các dự án tại Việt Nam và quốc tế, góp phần phòng chống tội phạm công nghệ cao liên quan đến hoạt động blockchain. Đồng thời, đây cũng là nơi để cộng đồng kiểm tra tính minh bạch của một dự án blockchain, cho phép giám sát chủ động và giúp tránh xung đột lợi ích trong cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Blockchain cho rằng, để thực thi các hoạt động phòng chống rửa tiền một cách hiệu quả mà cần thay đổi nhận thức, tầm nhìn từ chính các lãnh đạo ngân hàng, tổ chức tài chính và sự quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước.