Theo TS Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2023, đã có nhiều tác động của biến đổi khí hậu đối với thiên tai ở Việt Nam. Điển hình là đầu năm diễn biến mưa ít dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng ở khắp các vùng, miền đất nước.

Ngay sau đó là đợt nắng nóng kèm theo nhiệt độ nóng kỷ lục vào tháng 5 khi nhiệt độ cao nhất trong ngày đo được ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An lên đến 44,2 độ C, phá vỡ kỷ lục 3 năm trước đây ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là 43,4 độ C.

TS Cường nhấn mạnh, đây là biểu hiện rất rõ tác động của biến đổi khí hậu đối với thiên tai tại Việt Nam. Ngay sau đợt nắng nóng này là đợt mưa dài kỷ lục ở Bắc Bộ gây lũ quét, sạt lở đất. Như vậy rõ ràng hiện tượng thiên tai ở Việt Nam trong những năm qua và đặc biệt là trong năm 2023 vừa chịu tác động của hiện tượng El Nino cùng với tác động của biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng nhiều hơn và khốc liệt hơn.

W-sat-lo-deo-bao-loc-1.jpeg
Vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc vùi lấp 3 CSGT và người dân xảy ra vào 30/7 vừa qua (Ảnh: X. Ngọc) 

Trong đó, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại rất nghiêm trọng, đây là hiện tượng xảy ra rất nhanh, bất ngờ, quy mô thường cục bộ. Nguyên nhân do địa hình chia cắt, kiến tạo của địa chất cộng với mặt đệm bị hủy hoại. Những năm gần đây, các hoạt động của con người ở vùng núi, trung du làm mất cân bằng của địa chất, khi có mưa kích hoạt dễ dàng gây ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam.

“Nhận diện nguyên nhân như vậy, chúng ta đã có rất nhiều cải tiến trong việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất”, TS Cường thông tin.

Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1262/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét tại khu vực miền núi, trung du phục vụ phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Tập trung xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai sạt lở đất, lũ quét tổng thể, đồng bộ, tỷ lệ phù hợp; cung cấp, trao đổi thông tin cảnh báo với cộng đồng dân cư, tăng cường năng lực ứng phó sạt lở đất, lũ quét.

Đề án đưa ra mục tiêu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý phục vụ triển khai nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét như: quy trình, quy định, định mức kinh tế kỹ thuật về điều tra, khảo sát, dự báo-cảnh báo…

Đến năm 2025, hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 hiển thị trên nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:25.000 cho 37 tỉnh miền núi, trung du; tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn đối với 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.

Đến năm 2030, cơ bản hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn cho những khu vực có nguy cơ rất cao; hoàn thiện hệ thống thông tin-cảnh báo sớm tổng thể kết nối liên thông với các bộ, ngành, địa phương, có sự phối hợp 2 chiều giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu, cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho các tỉnh miền núi, trung du Việt Nam.

Nội dung thực hiện của Đề án bao gồm rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy trình, quy định kỹ thuật phục vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét; điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng phục vụ lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ trung bình và tỷ lệ lớn; thiết lập và duy trì vận hành hệ thống thông tin-cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; nâng cao năng lực cộng đồng trong truyền thông và sử dụng thông tin cảnh bảo sớm.

Đề án nâng cấp, phát triển các mô hình cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam; xây dựng hệ thống thông tin-cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét thời gian thực, có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu; cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở đất, lũ quét, kinh tế-xã hội, tình hình thiệt hại cho hệ thống thông tin-cảnh báo sớm; vận hành thử nghiệm tại trung ương và 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam; đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành hệ thống cảnh báo sớm…

 Đề án thực hiện triên địa bàn vùng miền núi, trung du thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, 16 tỉnh khu vực Bắc Bộ gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Ngyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.

14 tỉnh thành phố khu vực Trung Bộ gồm: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.

5 tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. 

2 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ gồm: Bình Phước, Đồng Nai.

 

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV