Việt Nam đang nỗ lực phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng 3 vấn đề: Vừa phòng ngừa, khắc phục vừa thích ứng rủi do, hướng tới xây dựng lưới an sinh bao trùm, bền vững, mọi người đều được tham gia và thụ hưởng thành quả xã hội.

Để đạt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

giamnghoe.jpg

Việt Nam hiện là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Do đó, việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều phải được nâng lên yêu cầu cao hơn.

Theo thông tin từ Bộ Lao động, thương binh và xã hội  cho biết: Chương trình giảm nghèo 2021-2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với những giai đoạn trước. Đặc thù công tác giảm nghèo giai đoạn này khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác. Chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện. Vì vậy, mục tiêu của giảm nghèo không đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập, mà cao hơn, hoàn thiện hơn và bao trùm hơn ở cả 6 lĩnh vực.

Được biết, năm 2024, Bộ Lao động, thương binh và xã hội sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên; phân bổ vốn năm 2024 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm ngèo bền vững.

Theo đó, dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 là 12.558,732 tỷ đồng.

Tính từ tháng 1/2023 đến nay, 63/63 tỉnh/thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội; tổng số đối tượng an sinh xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là 2.067.028 người; tổng số đối tượng đã được chi trả qua tài khoản là 1.420.853 người.

Đặc biệt, 14 tỉnh, thành phố đã nâng mức trợ giúp cao hơn mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP4; 32 tỉnh, thành phố quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Tổng ngân sách chi cho thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp xã hội khoản 2.250 tỷ đồng/tháng.

Có 61/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chi trả qua tổ chức dịch vụ chi trả.

Quốc Hoàn và nhóm PV