Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”.

W-congdong.png
Xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người.

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội tập trung nhiều vào khía cạnh con người, vào những nội dung thiết thực với cuộc sống của toàn thể người dân trong khu vực. Việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại.

Báo cáo đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN các giai đoạn trước đã chỉ ra những kết quả phát triển quan trọng của Cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự thay đổi xã hội trong khu vực, cụ thể như: hợp tác khu vực được tăng cường; giảm đáng kể tình trạng nghèo cùng cực ở một số nước thành viên ASEAN (AMS); cải thiện sức khỏe và giáo dục; gia tăng chất lượng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu lao động khu vực và toàn cầu; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển các phong cách sống tích cực.

Tuy nhiên, đói nghèo, dịch bệnh, thiếu tiếp cận trường học, thảm họa thiên tai, ô nhiễm môi trường vẫn đang là những thách thức lớn của Cộng đồng các nước thành viên ASEAN. Do đó, vẫn còn cần phải làm nhiều việc hơn nữa để bảo đảm những lợi ích và kết quả của sự tiến bộ, cần phải tìm các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong việc xây dựng một ASEAN bền vững, tự cường.

Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 đã được xây dựng và hoàn thiện để trình lên các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur vào ngày 22/11/2015.

Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 tiếp tục khẳng định “trọng tâm của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng vào người dân, thân thiện với môi trường và hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững”.

Nội dung của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025 cơ bản dựa trên Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN giai đoạn 2009-2015 với các đặc điểm, thành tố gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân, hòa nhập, bền vững, tự cường và năng động.

Việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 sẽ được triển khai bởi các cơ quan chuyên ngành thuộc Cộng đồng trong khi Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện, với sự hỗ trợ của Hội nghị các quan chức cấp cao (SOCA) và các cơ quan chuyên ngành.

Việc rà soát và đánh giá thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 sẽ tận dụng hệ thống giám sát, đánh giá hiện hành, bao gồm hệ thống giám sát và Biểu đánh giá (ASCC scorecard).

Nguyễn Thị Kim Chi, Vũ Việt Bảo Phùng, Nghiêm Minh Thu, Nguyễn Thị Diệu Bình