Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ cùng phương châm "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", những năm qua, Đoàn viên thanh niên tỉnh Điện Biên đã hăng hái tham gia phong trào tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, hơn 2.000 đoàn viên thanh niên tham gia tập trung hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các thiết chế vui chơi cho thanh thiếu nhi khu vực nông thôn, vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa mới.
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân sửa chữa được trên 130 km đường, làm mới 1,2 km đường giao thông nông thôn, tổ chức khánh thành 5 cây cầu nông thôn với tổng trị giá 1,37 tỷ đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Đồng thời, tổ chức quét dọn, vệ sinh khu vực nông thôn, thu gom rác thải, khơi thông 11 km cống rãnh…
Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã của thanh niên, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đồng thời, nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nếp sống văn hóa mới, gương mẫu thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng; tham gia tu sửa các công trình, di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.
Cùng với Đoàn thanh niên, người dân Điện Biên cũng tích cực tham gia phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Điện Biên cho biết, thay cho tư tưởng trông chờ, ỷ lại nguồn vốn hoặc đôn đốc từ các cấp chính quyền, thời gian qua đồng bào các dân tộc H’Mông, Thái, Hà Nhì, Dao… ở các huyện trong toàn tỉnh đã chủ động đóng góp công sức, nguyên vật liệu hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.
Thống kê sơ bộ trong 9 tháng năm 2022, cộng đồng dân cư trong tỉnh Điện Biên đóng góp hàng trăm nghìn ngày công, hiến đất, góp nguyên vật liệu làm đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng xây dựng nông thôn mới với trị giá gần 3,1 tỷ đồng.
Điển hình như nhân dân bản Ham Xoong 2 đóng góp tiền mặt và ngày công lao động làm đường bê tông vào bản 42 triệu đồng; nhân dân bản Nậm Chua 5 đóng góp 35 triệu đồng; nhân dân bản Nậm Ngà 1 đóng góp 35 triệu đồng, bản Nậm Ngà 2 góp 20 triệu đồng; nhân dân bản Nậm Chua 2 đóng góp 20 triệu đồng, đồng thời hiến đất xây dựng nhà văn hóa bản; nhân dân các bản thuộc xã Nà Hỳ đóng góp mua đất, san nền làm nhà văn hóa trị giá hàng triệu đồng.
Những đóng góp trên góp phần quan trọng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Điện Biên. Năm 2022, toàn tỉnh có thêm 8 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới lên 52 xã.
Trong đó có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 30 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ước đạt 22 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn ước giảm xuống còn 37%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn ước đạt 88,7%.
Lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Điện Biên nhận định, có được kết quả này, trong năm 2022, các địa phương đã quán triệt và triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới theo các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh.
Đặc biệt, tranh thủ và huy động nguồn lực tổng hợp kết hợp chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi"; nâng cao tinh thần trách nhiệm, gắn nhiệm vụ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với công tác chỉ đạo điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt cấp huyện, xã và thôn, bản.
Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Điện Biên đã yêu cầu ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Trong tuyên truyền chú trọng khơi dậy ý thức tự chủ, vươn lên trong mỗi người dân để mỗi người dân đều hiểu vai trò, tầm quan trọng cá nhân trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, để từ đó nhân dân tích cực đồng hành trên chặng đường xây dựng nông thôn mới tại địa phương trong giai đoạn hiện nay và mai sau.
Hà Giang