Tăng trưởng nông nghiệp có những cột mốc mới
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra, khoảng cách giữa nông thôn và đô thị hiện đang gia tăng do thiếu thể chế hóa quá trình đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp, nông thôn còn thiếu gắn bó với phát triển công nghiệp, liên kết vùng. Kinh tế hộ nông dân nhỏ còn chiếm tới 70%. Ngoài ra, có nhiều điểm nghẽn trong chính sách phát triển nông nghiệp.
Những chuyển biến chưa từng có trong xây dựng nông thôn mới |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, kết quả xây dựng nông thôn mới 10 năm qua tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, thậm chí có thể nói là chưa từng có trong lịch sử phát triển nông thôn Việt Nam.
Về góc nhìn phát triển tam nông, tăng trưởng nông nghiệp đã có bước tiến quan trọng với những cột mốc mới. Tiến trình xây dựng nông thôn mới bước đầu gắn kết chặt chẽ hơn với cơ cấu lại ngành.
Xây dựng nông thôn mới cũng tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn theo hướng nâng cao dần tỷ trọng phi nông nghiệp. Qua đó, tác động tích cực tới thu nhập và giảm nghèo vùng nông thôn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Điển hình là việc thiếu chiến lược hoàn chỉnh thúc đẩy kết nối nông thôn - đô thị để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới Việt Nam.
Tăng trưởng nông nghiệp chưa ổn định, chưa đồng đều giữa các địa phương. Sản xuất còn nhiều rủi ro, chưa bền vững. Tốc độ phát triển kinh tế hộ chuyển dịch lên quy mô lớn, trang trại, doanh nghiệp chậm chạp…
Giai đoạn tới cần thúc đẩy chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Những thành tựu trong gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước. Cùng với cả nước, nông thôn mới Hà Nội cũng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Dù có tổng số xã lớn thứ 2 cả nước (386 xã), chỉ sau tỉnh Thanh Hoá nhưng nông thôn mới Hà Nội đã thay đổi rõ rệt, đường có hoa nhà có số phố có tên. Đến nay, toàn TP đã có 6 huyện, 325/386 xã về đích nông thôn mới, vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trước 2 năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 héc-ta canh tác đạt 259 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đã đạt gần 47 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn liên tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 1,8% (theo chuẩn đa nghèo mới)…
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới sẽ vẫn còn nhiều thách thức. Chính vì vậy, các bộ ngành từ Trung ương cần tiếp tục có sự quan tâm đúng mức, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cụ thể các địa phương trong thực hiện.
Cũng tại hội thảo này, các chuyên gia đều thống nhất, từ nay đến năm 2030, cách tiếp cận xây dựng nông thôn mới cần được điều chỉnh, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy, năng lực của người dân, coi nông dân làm chủ thể, lấy cộng đồng thôn, bản là đơn vị để đánh giá.
Cần thúc đẩy chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trên cơ sở bảo đảm lợi ích các bên; quan tâm giải quyết vấn đề môi trường, đặc biệt là thu gom, xử lý rác thải nông thôn; có cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến; có chính sách thúc đẩy phát triển các điểm di tích lịch sử văn hóa trong tiến trình xây dựng nông thôn mới gắn với lợi ích cộng đồng dân cư; làm tốt công tác dự báo thị trường, ảnh hưởng thiên tai nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Bài: Trần Văn Thường - nhóm PV
Ảnh: Trần Quang Ninh, Trần Minh Thuý - nhóm PV