Quy hoạch đồng bộ, chú trọng phát triển hạ tầng

Xác định quy hoạch là cơ sở quan trọng để xây dựng NTM và phải đi trước một bước, huyện tập trung ưu tiên thực hiện đồng bộ các quy hoạch.

Theo đó, ngoài quy hoạch vùng huyện đã được phê duyệt năm 2017, Giao Thuỷ đã triển khai và hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030; Đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh 6 Khu công nghiệp, 13 Cụm công nghiệp với tổng quy mô, diện tích gần 3.000 ha;…

Triển khai quy hoạch tổng thể du lịch huyện, chú trọng phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy, du lịch nghỉ dưỡng tắm biển Giao Phong - Quất Lâm, du lịch trải nghiệm Bảo tàng Đồng quê, du lịch cộng đồng Giao Xuân, cánh đồng muối Bạch Long kết hợp tham quan các công trình tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích lực sử, văn hoá trên địa bàn huyện.

Xây dựng đồng bộ quy hoạch đô thị, dự kiến đến năm 2030 hình thành thêm từ 3 - 5 đô thị…; phấn đấu đến năm 2030, Giao Thủy cơ bản đạt các tiêu chí Đô thị loại III, trở thành thị xã, thành phố biển trong tương lai.

B15_A1.jpg
Nhà văn hóa xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) 

Cùng với công tác quy hoạch, huyện chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Các dự án giao thông trọng điểm như: Tuyến đường bộ ven biển đi qua địa bàn huyện dài 24 km, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng; tuyến Quốc lộ 37B, tỉnh lộ 489, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển đã và đang triển khai xây dựng, khi hoàn thành sẽ tạo động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện cùng các xã, thị trấn đã huy động, bố trí nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng, tập trung đầu tư cải tạo, xây mới hàng trăm km đường giao thông nông thôn, cầu cống dân sinh; lắp đặt các cụm đèn tín hiệu giao thông; xây dựng, cải tạo các thiết chế văn hoá, trường học, cơ sở y tế…

Hệ thống giao thông nội đồng cũng thường xuyên được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Đến nay, toàn huyện đã cứng hóa được trên 80% km đường nội đồng, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa cho người dân. Hệ thống lưới điện được kết nối tới từng hộ dân.

Huyện tập trung ưu tiên cho phát triển kinh tế hàng hóa trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế đất đai, tự nhiên, lao động tại chỗ. Trong đó, triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng con nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tập trung vào các sản phẩm chủ lực có thế mạnh; khai thác mũi nhọn kinh tế biển từ khâu chế biến, nuôi trồng đến khai thác thủy hải sản; phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

Toàn huyện hiện có 05 mô hình kinh tế tập thể liên kết sản xuất; 40 HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả. Các sản phẩm hàng hóa chủ lực mang tính đặc thù của địa phương đều được đăng ký xếp hạng theo tiêu chuẩn OCOP. Đến năm 2023, toàn huyện đã có 105 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, dẫn đầu toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, huyện còn phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn, du lịch, dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp… Đến nay, toàn huyện có hơn 4.600 cơ sở hoạt động sản xuất kinh, doanh với các ngành nghề như: sản xuất, chế tạo máy móc; chế biến thủy hải sản, may mặc, vật liệu xây dựng, đồ gỗ mỹ nghệ… Từ đây, góp phần tạo việc làm ổn định cho hơn 15 ngàn lao động nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.

Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2023 đạt 84,46 triệu đồng, tăng gần 3 lần so với 2017 và tăng hơn 6 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,76%, giảm gần 9% so với năm 2011.

Chăm lo đời sống tinh thần, môi trường sống

Trong tiến trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, chất lượng môi trường sống được hết sức coi trọng.

Trên địa bàn huyện có 3 nhà máy cung cấp nước sạch tập trung, đảm bảo đủ công suất cho sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ nhà máy nước sạch tập trung toàn huyện đạt trên 93%.

Công tác vệ sinh môi trường nông thôn đi vào nề nếp. 100% xã, thị trấn đã thành lập tổ, đội thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt về nơi xử lý theo quy định. Việc phân loại rác tại nguồn được chú trọng, trên địa bàn huyện hiện có 15 xã, thị trấn thực hiện xử lý rác thải tập trung bằng công nghệ lò đốt, 7 địa phương xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp.

Văn hoá thể thao không ngừng phát triển, góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Trên địa bàn huyện hiện lưu giữ, bảo tồn và phát huy nhiều giá trị văn hoá truyền thống vật thể, phi vật thể, đa dạng các thể loại như: hát Chèo, hát Văn, trống hội, kèn đồng, múa rồng, múa lân, vật, bơi chải, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ... Hệ thống thông tin liên lạc đã bao phủ đến 100% địa bàn dân cư.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học thường xuyên được đầu tư, nâng cấp theo hướng kiên cố, chuẩn hóa. Đến nay, 100% các trường Mầm non, Tiểu học, THCS của huyện đều đạt chuẩn Quốc gia mức độ I và đạt chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn; 60% số trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II; 4/4 trường THPT công lập đều đạt chuẩn Quốc gia…

Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cũng như đội ngũ y, bác sỹ ngành Y tế luôn được tăng cường cả về chất và lượng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ và đạt chuẩn Quốc gia về y tế; trung tâm y tế huyện đạt chuẩn theo quy định;

Trên 95% người dân có thẻ BHYT, việc triển khai sổ sức khoẻ điện tử cho nhân dân được triển khai tích cực; đảm bảo 100% dân số trên địa bàn huyện được theo dõi, quản lý sức khỏe thường xuyên.

V.v,…