Ngày 21/3, tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” do thành phố Hà Nội chủ trì, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có bài phát biểu quan trọng.
Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh thành phố!
Kính thưa các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý, các Hội nghề nghiệp, doanh nghiệp!
Kính thưa các đồng chí tham dự hội thảo!
Trong không khí chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023); 93 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2023), hôm nay thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Hội thảo ngày hôm nay là một trong những bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước”; tiếp tục triển khai các nội dung được thảo luận tại các Hội thảo khoa học do Trung ương tổ chức về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa ngày 17-12-2022 tại Bắc Ninh và về 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ngày 27-2-2023 tại Hà Nội.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các đồng chí đại diện lãnh đạo cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng toàn thể quý vị đại biểu đã dành thời gian đến tham dự hội thảo quan trọng và rất ý nghĩa này. Kính chúc các đồng chí, các quý vị đại biểu luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Thưa toàn thể các đồng chí!
Kể từ khi Đức Thái tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược, đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng. Đến nay đã hơn 1.000 năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc Việt Nam, nơi hội tụ và tỏa sáng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên, nơi sản sinh, tụ hội những anh hùng, hào kiệt của dân tộc.
Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội luôn phát huy vai trò là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất của đất nước.
Trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi (tính từ kinh đô của nhà nước Âu lạc vào đầu thế kỷ thứ 3 trước công nguyên) như Thủ đô Hà Nội. Mỗi người dân Hà Nội và chúng ta luôn tự hào về Thủ đô yêu dấu, luôn ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu.
Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội có những di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách nguy nga, công trình kiến trúc tâm linh (đình, chùa, đền miếu, phủ…), tượng đài, công viên, vườn hoa, sông hồ…
Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, là địa bàn có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, có khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm", được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”..., thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Thưa toàn thể các đồng chí!
Trong các cương lĩnh chính trị, các Nghị quyết của Đảng đều rất quan tâm đến phát triển văn hóa. Từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc. Năm 1943, Đảng ta đã thông qua “Đề cương văn hóa Việt Nam” với chủ trương phát triển nền văn hóa Việt Nam “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI “Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Đặc biệt đến Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”. Có thể nói, đây là những tư tưởng chỉ đạo hết sức quan trọng, ngày càng khẳng định vững chắc vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong tiến trình phát triển bền vững của nước ta.
Chúng ta đều biết, văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hóa của Thủ đô. Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh.
Thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, ngày 22-2-2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Quán triệt và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa. Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố.
Thưa toàn thể các đồng chí!
Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đang quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực của tình hình thế giới, tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với tinh thần đổi mới quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Đặc biệt, năm 2022 vừa qua, Thành ủy đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2022 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và đã đạt được những kết quả nổi bật, trong đó:
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, đề ra 4 quan điểm, 2 mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp thành phố Hà Nội cần tập trung triển khai thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh. Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy luôn được đổi mới, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ với tinh thần quyết liệt, sâu sát từ thành phố tới cơ sở, tạo động lực trong toàn hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố và các địa phương, đơn vị.
Thành ủy đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung và ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XVII của Thành ủy, Quy chế hoạt động của Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, trong đó, phân công rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, đặc biệt nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết công việc; tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược liên quan phát triển Thủ đô.
Kinh tế Thủ đô phục hồi và phát triển nhanh, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 8,89% (cao hơn bình quân chung của cả nước là 8,02%), là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây; quy mô kinh tế của Hà Nội khoảng 50 tỷ đô la Mỹ (cả nước đạt khoảng 409 tỷ đô la Mỹ); hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, với 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 333 ngàn tỷ đồng, bằng 106,8% dự toán (trong đó, thu nội địa đạt 303 ngàn tỷ đồng, cao nhất cả nước), đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi hoạt động thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19...; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,4%...
Thành phố đã bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gần 2.000 sự kiện chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, thể thao… quan trọng trên địa bàn Thủ đô được Trung ương, bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao (tổ chức thành công trên 600 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật).
Thành ủy đã chỉ đạo, đôn đốc, nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ nhằm khơi thông nguồn lực cho Thủ đô; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất.
Đồng thời, Thành ủy đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội và Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường, trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Thành phố xác định đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển Thủ đô, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của thành phố Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong Vùng Thủ đô Hà Nội.
Thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp của 3 địa phương để triển khai dự án và mỗi tỉnh, thành đều đã ban hành kế hoạch triển khai dự án; trong đó, đã thống nhất phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp để phục vụ khởi công dự án trước ngày 30-6-2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023 theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Thành phố cũng đang tập trung triển khai các đề án, dự án rất quan trọng khác, như: Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô; tập trung đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết, đánh giá đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô (dự kiến trình Quốc hội tháng 10-2023); đề án khai thác nguồn lực từ tài sản công…
Thưa toàn thể các đồng chí!
Hội thảo hôm nay là sự tiếp nối, kế thừa và vận dụng những kết quả của các hội nghị, hội thảo khoa học vào thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hết sức sôi động trên địa bàn thành phố. Để tiếp tục làm rõ tư tưởng chỉ đạo coi văn hóa là động lực, là nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Với tinh thần dân chủ, khoa học và cầu thị, thành phố mong muốn có sự đồng hành, tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu bằng các luận cứ khoa học, trách nhiệm và tình cảm đối với Thủ đô về vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển, tiếp tục làm rõ hơn nội hàm và giải pháp phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như đã được khẳng định tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đặc biệt, trong năm 2023, thành phố đang triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng, đó là: Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Thưa toàn thể các đồng chí!
Tôi được biết, hội thảo đã được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, với tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các nhà khoa học, các chuyên gia về văn hóa học, văn hóa Hà Nội ở cả trong và ngoài nước. Thành phố Hà Nội mong sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của các quý vị đại biểu, đóng góp cho thành công của hội thảo. Qua hội thảo này, thành phố sẽ có thêm nhiều sáng kiến tư vấn trong phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, có thể sánh ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực.
Với mong muốn làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn, để văn hóa và con người Hà Nội thật sự trở thành hồn cốt của tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội trong suốt quá trình xây dựng và phát triển Hà Nội, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý dồi dào sức khỏe, hạnh phúc. Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn các đồng chí!